"Đức Mẹ Lòng Thương Xót khi đứng dưới chân Thập Tự còn được chính Người Con trao hiền thê của mình là Giáo Hội cho Mẹ giữ gìn chăm sóc. Vì thế nên Mẹ còn là Mẹ của đàn con cái đang trên cuộc lữ hành trần thế (Mẹ Giáo Hội). Đồng thời Mẹ cũng là cây cầu nối (Đấng Trung Gian) hữu hiệu nhất giúp những ai muốn tìm đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa..."
**********
Cứ đến tháng Năm là tôi lại hồi tưởng tới thời thơ ấu thường cùng với anh em bạn bè cùng lớp rủ nhau lên núi Chè (Trà Sơn, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) hái hoa mẫu đơn, hoa đại (tức hoa sứ) về Dâng Hoa. Thủa nhỏ, chúng tôi làm công việc này (do được các linh mục, tu sĩ giảng dạy và khuyến khích) chỉ mang một tâm trạng được vinh dự làm con cái Đức Mẹ và đây là dịp bày tỏ tình con thảo đối với Mẹ hiền: Dâng lên Mẹ lời kinh tiếng hát và những bông hoa tươi thắm trong tháng Năm là Tháng Hoa kính Đức Mẹ. Mãi tới khi trưởng thành (khoảng sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II), qua Thông điệp “Mense Maio– Tháng Năm”, tôi lại được biết thêm một ý nghĩa trọng đại của Tháng Năm: Tháng Năm là tháng dành cho việc cầu nguyện – cầu nguyện với Đức Mẹ.
Ngày 29/4/1965, ĐGH Phao-lô VI ban hành Thông điệp “Mense Maio” với chủ đề “Cầu nguyện trong Tháng Năm cho sự duy trì nền hoà bình”. Đức Thánh Cha giải thích rõ: “Bởi vì Tháng Năm là một động lực mạnh mẽ cho việc cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng hơn, và bởi vì những lời khẩn cầu của chúng ta sẽ dễ dàng chạm đến trái tim từ ái của Đức Maria trong suốt Tháng Năm này, đó là một thói quen rất được ưa chuộng mà các vị tiền nhiệm của Tôi chọn tháng này dâng kính Đức Maria, nhằm thôi thúc dân Ki-tô giáo dâng những lời nguyện chung với nhau bất kỳ lúc nào nhu cầu của Giáo Hội đòi hỏi hoặc khi có những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe doạ nhân loại.” (số 3); “Đức Maria là người đã trải qua những mối lo âu và vất vả của cuộc sống trần gian, những mệt mỏi của công việc nặng nhọc hằng ngày, những gian khổ và thử thách của kiếp nghèo, và những nỗi buồn sầu trên đồi Can-vê; nguyện xin Mẹ đến cứu giúp những nhu cầu của Giáo Hội và của toàn thể nhân loại.” (Tđ “Mense Maio”, số 12).
Năm nay, Tháng Năm lại về tiếp liền sau Chúa nhật II/PS (27/4) – CN kính “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”. Sở dĩ lễ kính “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” được đặt vào CN.II/PS chính là do yêu cầu của Đức Ki-tô khi hiện ra ban Thông điệp Lòng Thương Xót Chúa cho Thánh nữ Faustina Kowalska (*). Viết về Thánh nữ Faustina Kowalska có một chi tiết đáng lưu ý trong tiểu sử ngài, đó là: “Năm 20 tuổi, Faustina xin vào tu tại Dòng các Nữ tu Đức Trinh Nữ rất thánh, Mẹ của Lòng Thương Xót.” Lòng Thương Xót của Thiên Chúa biểu hiện cụ thế nhất, tập trung nhất nơi Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ; như vậy thì danh hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót” cũng chẳng khác danh hiệu “Mẹ Ngôi Lời” (Mẹ Thiên Chúa) đã được nâng lên thành tín điều trong Giáo Hội.
Thánh Gio-an Phao-lô II khi còn tại vị Giáo Hoàng, trong Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót – Dives in misericordia” (số 9) cũng khẳng định: “Như vậy Đức Maria là người biết thấu đáo hơn cả mầu nhiệm lòng Thiên Chúa thương xót. Người biết giá của mầu nhiệm ấy và biết nó lớn lao biết chừng nào. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta cũng gọi người là Mẹ của lòng thương xót: Đức Bà có lòng thương xót hay Đức Mẹ của lòng Thiên Chúa thương xót; mỗi tước hiệu này đều có một ý nghĩa thần học sâu sắc, bởi vì đều nói lên việc tâm hồn và tất cả con người Đức Mẹ đã được chuẩn bị đặc biệt để người có thể trước tiên, thông qua các biến cố phức tạp của Israel rồi thông qua các biến cố liên quan tới mọi người và toàn thể nhân loại mà thấy được lòng thương xót, ai ai cũng được hưởng phần “suốt đời nọ đến đời kia” theo ý định đời đời của Ba Ngôi Chí Thánh.”
Đức Mẹ Lòng Thương Xót khi đứng dưới chân Thập Tự còn được chính Người Con trao hiền thê của mình là Giáo Hội cho Mẹ giữ gìn chăm sóc. Vì thế nên Mẹ còn là Mẹ của đàn con cái đang trên cuộc lữ hành trần thế (Mẹ Giáo Hội). Đồng thời Mẹ cũng là cây cầu nối (Đấng Trung Gian) hữu hiệu nhất giúp những ai muốn tìm đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đến với Chúa, chúng ta cần phải có đức tin vững mạnh đã đành, nhưng đến với Mẹ, chúng ta cũng rất cần có đức tin, bởi: “Các tín hữu hãy nhớ rằng lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ.” (Hiến chế “Lumen Gentium – Tín Lý về Giáo Hội”, số 67).
Thánh Au-gus-ti-nô đã dạy: “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”. Hiến chế “Tín Lý về Mạc khải – Dei Verbum” (số 2) giải thích rõ : “Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (Cl 1, 15; 1Tm 1, 17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xh 33, 11; Ga 15,14-15). Ngài đối thoại với họ (Br 3, 38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó.” Điều đó cho thấy, qua mạc khải, “Thiên Chúa đối thoại với loài người (Br 3, 38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài”; thì con người cũng phải đáp trả bằng đối thoại với Thiên Chúa, và đó chính là đức tin vậy.
Thật thế, nếu chỉ là tuyên xưng đức tin trên môi miệng, thì ai cũng có thể làm được và làm một cách trơn tru, nhưng khi đứng trước nghịch cảnh cần phải biểu lộ lòng tin của mình một cách công khai thì lại thấy khó khăn vô cùng. Nếu chẳng thế, thì Đức Ki-tô đã không dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi… Vậy ai tin nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thưc hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 21-24) và thánh Gia-cô-bê Tông đồ đã chẳng nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17). Nói đến đức tin là nói đến một trong 3 nhân đức đối thần (Tin – Cậy – Mến) mà bất cứ một Ki-tô hữu nào cũng thuộc nằm lòng. Thuộc nhưng có thể hiện được, thực hành được trong cuộc sống hay không, lại là chuyện khác.
Muốn thể hiện được, thực hành được đức tin trong cuộc sống, người Ki-tô hữu đừng quên chạy đến với Đấng Trung Gian – cây cầu nối hữu hiệu nhất – là chính Mẹ của Lòng Thương Xót. Một cách cụ thể là “Nhờ Mẹ, đến với Chúa – Ad Jesum per Mariam”. Mà muốn đến với Mẹ, thì cũng rất cần thể hiện đức tin của mình đối với Mẹ. Ấy cũng bởi vì “Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến Mẹ chúng ta và noi gương các nhân đức của Mẹ.” (Hc “Lumen Gentium”, số 67). Vì thế, nên nhân dịp ngày đầu Tháng Hoa tiếp liền CN kính LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA (CN.II/PS), xin được chia sẻ đôi điều về rèn luyện nhân đức theo tấm gương vĩ đại vô song: Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót Chúa.
Vâng, “Đức Bà là gương nhân đức”, bởi “Đức Bà là toà Đấng Khôn Ngoan” (Kinh cầu Đức Bà). Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước vô cùng, làm ngai toà của Ngôi Lời nhập thể, là ngai toà Thiên Chúa, ngai toà Đấng Khôn Ngoan. Muốn học về tấm gương nhân đức của Đức Mẹ, thì trước hết phải tin và yêu Mẹ trên hết mọi sự ở thế gian này, vì càng yêu mến Đức Mẹ thì người tín hữu càng yêu mến và càng làm đẹp lòng Thiên Chúa. Người tín hữu sẽ thăng tiến trên đường thánh thiện hoàn hảo tương xứng với mức độ tình yêu Mẹ Maria thăng tiến trong tâm hồn mình. Không còn con đường nào ngắn hơn, đảm bảo hơn để chiếm được đức ái hoàn hảo cho bằng con đường yêu mến Mẹ Maria. Chính nơi Đức Mẹ thể hiện rõ nét nhất, sinh động nhất 3 nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến.
Trong ba nhân đức đối thần thì tập trung nhất, quan trọng nhất vẫn là đức Mến (“Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” – 1Cr 13, 13), bởi đó cũng chính là điều răn đứng hàng đầu mà Đức Ki-tô thường dạy: mến Chúa yêu người (“yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình” – Mt 22, 37). Và cứ nhìn vào tấm gương chói lọi là Mẹ Maria chúng ta cũng thấy đó là điều hiển nhiên, không thể chối cãi. Điều này, một lần nữa lại cho biết tầm quan trọng của đức Mến: Đức Mến vừa là nhân đức đối thần, vừa đối nhân. Nói đến nhân đức đối nhân thì có nhiều (từ nhân bản đến luân lý), nhưng điển hình nhất là 4 nhân đức: Khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ. Sách Giáo Lý HTCG (số 1805) giải thích rõ: “Có bốn đức tính đóng vai trò “bản lề,” quy tụ các đức tính khác, gọi là các đức tính “căn bản”: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. “Con người mến chuộng điều chính trực ư? thì chính Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, khôn ngoan, công bình và can đảm” (Kn 8, 7).”
Các đức tính này còn được Kinh Thánh khen ngợi dưới nhiều tên gọi khác. Cũng bởi vì “Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới.” (GL/HTCG, số 1806); “Công bình là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân.” (GL/HTCG, số 1807); “Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Đức tính can đảm giúp ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý.” (GL/HTCG, số 1808); “Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế.” (GL/HTCG, số 1809). Rõ ràng cả 4 nhân đức đối nhân cũng đều có khởi điểm (xuất phát) và đích điểm (quy tụ) là đức Mến.
Đức Mẹ đã sống trọn hảo 3 nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến. Bài viết này vì nhắm vào “Mẹ của Lòng Thương Xót” nên xin được chia sẻ theo chủ đề “Mẫu Tử Tình Thâm” mà Đức Mẹ đã dành cho Thánh nữ Faustina Kowalska. Trong cuốn nhật ký “Lòng Thương Xót Chúa nơi Linh Hồn Tôi” (*), Thánh nữ đã trình thuật lời Mẹ day: “Hỡi con gái của Mẹ, Thiên Chúa muốn Mẹ là Mẹ của con cách đặc biệt và riêng biệt, nhưng Mẹ cũng muốn rằng con là con Mẹ một cách đặc biệt” (số 1414). “Hỡi con gái yêu dấu của Mẹ, Mẹ ước muốn con thực tập ba nhân đức mà Mẹ ưa thích nhất và Thiên Chúa cũng lấy làm hài lòng nhất. Nhân đức thứ nhất là khiêm nhường, khiêm nhường và một lần nữa là khiêm nhường, nhân đức thứ hai là trinh khiết, nhân đức thứ ba là yêu mến Thiên Chúa. Là con gái của Mẹ, con phải đặc biệt chiếu tỏa những nhân đức này” (số 1415). Ba nhân đức mà Đức Mẹ ưa thích nhất cũng chính là 3 nhân đức nổi bật trong cuộc sống trần gian của Đức Mẹ:
- Nhân đức khiêm nhường: Trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Mẹ chỉ một lòng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đã tự nhận Mẹ chỉ là tôi tớ (“phận nữ tì hèn mọn”) của Thiên Chúa. Trong gia đình Na-da-ret thì Mẹ là một người vợ, một người mẹ hiền thục, bao dung, gương mẫu trong vâng phục. Chỉ cần xét lời Mẹ trong tiệc cưới Cana cũng đủ rõ: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2, 5). Nếu Mẹ không khiêm nhường thì với cương vị một người mẹ theo quan điểm trần gian, liệu Mẹ có hành xử như vậy không?
- Nhân đức khiết tịnh: Để minh họa, xin trích dẫn “Tín điều Mẹ Maria Trọn Đời Đồng Trinh” được Công Đồng La-tê-ra-nô tuyên tín năm 649: “Khốn cho những ai không theo các vị Nghị Phụ thánh đức tuyên xưng một cách chân thực và xác đáng rằng Đức Maria, trinh nguyên và vô nhiễm, là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ đã thực sự thụ thai chính Thiên Chúa Ngôi Lời, Đấng được Thiên Chúa Ngôi Cha hạ sinh trước các kỳ thời, bởi Chúa Thánh Thần mà không cần đến hạt giống loài người, và đã sinh ra Người hoàn toàn không bị hư hại gì, tình trạng đồng trinh của Mẹ sau khi sinh con cũng không hề bị sứt mẻ” (DS. 503).
- Nhân đức yêu mến Thiên Chúa: Như đã nói ở trên, Đức Mẹ vẫn luôn luôn và mãi mãi là mẫu gương tuyệt hảo về lòng mến yêu Thiên Chúa. Vì yêu mến Thiên Chúa hết lòng nên Mẹ mới vâng nghe Lời Thiên Chúa thông qua Sứ thần Truyền tin mà xin vâng, đồng thời còn khiêm nhường nhận mình là nữ tì của Thiên Chúa. Mẹ vâng lời đón nhận Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng, đồng thời cộng tác mật thiết với Người Con đồng công cứu chuộc loài người. Ấy là chưa kể Mẹ đã vâng nghe Lời Thiên Chúa (qua di chúc Thập Tự Giá: “Này là con Bà, đây là Mẹ con” – Ga 19, 26-27), mà thương yêu tất cả mọi tín hữu và coi họ như những đứa con do mình sinh ra.
Vì tình cảm thâm sâu giữa Mẹ và Con (Mẫu Tử Tình Thâm) nên Đức Mẹ đã chịu biết bao đau khổ ưu phiền (xc “Ngắm 7 sự đau đớn Đức Bà” (**), như dao sắc đâm thâu cõi lòng, để thi hành trọn hảo sứ vụ Đồng Công Cứu Chuộc nhân loại. Cũng vì Mẫu Tử Tình Thâm, Mẹ đã “xin vâng” nhận dưỡng nuôi và chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội với vai trò là Từ Mẫu, là Đấng Trung Gian, là Cầu Nối đoàn con cái trần gian với Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ. Ba nhân đức mà Đức Mẹ khuyên bảo Thánh nữ Faustina, phải chăng cũng là những lời dạy bảo chí tình chí nghĩa của Mẹ đối với đàn con Ki-tô hữu còn đang trên hành trình tiến về quê Trời để được cùng Mẹ hưởng phúc vinh muôn đời?
Hiểu được như thế thì người Ki-tô hữu còn đợi gì mà không dọn sạch tâm hồn và dốc một lòng học theo mẫu gương nhân đức của Mẹ? Thực sự chỉ có như vậy và chỉ đến lúc đó chúng ta mới vui mừng, hãnh dịên được “nhờ Mẹ, con đến với Chúa”. Xin cùng hiệp ý dâng lên Mẹ lời khẩn cầu tha thiết: “Nguyện xin Mẹ lắng tai dịu dàng nghe lời khẩn cầu tha thiết của những người khắp hoàn cầu đang kêu xin Mẹ ban ơn bình an. Xin Mẹ chiếu sáng tâm trí của những người đang lãnh đạo các quốc gia. Và cuối cùng, nguyện xin Mẹ khẩn cầu Thiên Chúa, Đấng làm chủ gió bão, dẹp yên những giông tố trong những con tim gây hấn của con người và ban cho chúng ta hoà bình trong thời đại này” (Thông điệp “Mense Maio– Tháng Năm”, số 12).
--------------
Chú thích:
(*) xc “Mùa Chay – Sống và thực thi Thông điệp Lòng Thương Xót Chúa” của cùng tác giả (Thanhlinh.net, trang “Tác giả”).
(*) xc “Mùa Chay – Sống và thực thi Thông điệp Lòng Thương Xót Chúa” của cùng tác giả (Thanhlinh.net, trang “Tác giả”).
(**) “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà” (xc. SÁCH KINH – Địa phận Thái Bình – Hải Phòng – Bùi Chu – ấn bản 1970 của “Mẫu Tâm Thư Quán” – trang 173).
JM. Lam Thy ĐVD.
0 comments :
Post a Comment