Người Công giáo Việt Nam cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ.Trước những hành động gây hấn, lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông trong những ngày qua, có thể nói người Việt Nam – dù ở đâu, thuộc thành phần, địa vị nào trong xã hội – đều hướng lòng về Biển Đông, đều nghĩ và lo cho an nguy Đất nước, vận mệnh Dân tộc.
Hôm 09/05/2014, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã có Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, do Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng giám mục Tổng Giáo phận Sài Gòn và Chủ tịch HĐGM Việt Nam – ký.
Mở đầu, Bản lên tiếng đã nhắc lại việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại – trong đó có cả tàu quân sự – vào xâm chiếm, hoạt động trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam và cho tàu quân sự tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam.
HĐGM coi đó là những “hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các nguyên tắc ứng xử Quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Qui tắc ứng xử trên Biển Đông.”
Theo HĐGM “tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.”
'Ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng'
Vì “quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm” ấy và với trách nhiệm của mình, các HĐGM đã nêu bốn điểm.
Trước hết, Bản lên tiếng nhấn mạnh: “Giáo hội Công giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hoà bình, phản đối chiến tranh. Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả.”
Vì thế, theo HĐGM Việt Nam ‘mọi tranh chấp hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại; loại trừ tất cả mọi hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên.
Với chính quyền Trung Quốc, Bản lên tiếng đã yêu cầu ‘phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này’.
Nhằm nhấn mạnh và ‘thể hiện đường lối xây dựng hoà bình trong sứ vụ của mình’ – và cũng là đường lối chung của toàn thể Giáo hội Công giáo – Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhắc lại diễn từ của Đức Giáo hoàng Phaolô VI tại Liên hiệp quốc vào năm 1965, trong đó Ngài đã kêu gọi: ‘Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!… chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!’
Bản lên tiếng cũng trích dẫn Thông diệp Ngày hòa bình Thế giới năm 1975 của Đức Giáo hoàng Phaolô VI: ‘Hòa bình chỉ thể hiện chính mình trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, khoan dung, lòng thương xót và tình yêu’.
Với Chính phủ Việt Nam, HĐGM Việt Nam cho rằng: “Tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng phải có lập trường kiên định, lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc.”
Dù viết rất ngắn gọn, các Giám mục Việt Nam đã chỉ ra một hướng đi mới – hay ít ra khác với đường lối, phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi – trong quan hệ với Trung Quốc.
Đó là “lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước” khi tương giao với Trung Quốc.
Vì theo Hội đồng Giám mục Việt Nam, “Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi nhiều cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy”.
‘Biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc’
Hai điểm còn lại trong Bản lên tiếng đề cập đến việc người Công giáo Việt Nam nên làm gì trong hoàn cảnh này.
Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Đây là lúc người Công giáo Việt Nam cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI: 'Là người công giáo tốt cũng là công dân tốt.' Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai."
Vì vậy, các Giám mục Việt Nam mời gọi: "Người Công giáo chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương, đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”
Cụ thể, bắt chước sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô – người đã kêu gọi con cái mình và những ai thành tâm thiện chí dành ngày 7/9/2013 để cầu nguyện cho hoà bình ở Syria – Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam."
Trong ngày đó, mọi người được mời gọi: “Sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm, để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt Nam bị thương.”
Ngoài Bản lên tiếng này, từ lâu các Giám mục Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông – đặc biệt là kể từ mấy năm nay khi Trung Quốc càng ngày càng có nhiều hành động gây hấn, lấn chiếm ở Biển Đông.
Và một người đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho “Công lý và hòa bình” ở Biển Đông là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình trực thuộc HĐGM Việt Nam.
Ngài cũng là Chủ tịch Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình.
Dưới sự hướng dẫn, chủ trì của ngài, Câu lạc bộ này đã tổ chức một buổi tọa đàm về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và hải đảo Việt Nam” vào năm 2009 – khi tàu Trung Quốc ngang ngược vào Biển Đông đánh đuổi, đàn áp các ngư dân Việt Nam.
Cách đây hơn một tháng – trước khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-891 vào hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam – ngài đã dành cho trang Lam Hồng, một trang chuyên về niềm tin, văn hóa, giáo dục của Giáo phận Vinh, một cuộc phỏng vấn về đề tài “Xông lý và hòa bình trên Biển Đông.”
Với những hành động hung hăng, ngang ngược gần đây của Trung Quốc, Ban biên tập trang Lam Hồng đã đưa bài phỏng vấn lên mạng hôm 09/05/2014.
Trong cuộc phỏng vấn ấy, Đức cha Hợp đã cho biết dù gặp nhiều khó khăn khi tổ chức, tọa đàm đó cũng được diễn ra và sau đó được giấy phép để xuất bản cuốn “Biển Đông và hải đảo Việt Nam.”
Vào năm 2011, Câu lạc bộ dự tính tổ chức một tọa đàm về “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” nhưng vì phải đối diện với nhiều áp lực Ban tổ chức đã hủy bỏ tọa đàm đó. Tuy vậy, ngài cho biết, theo ước nguyện của một số người, Ban tổ chức đã cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông” với tính cách là lưu hành nội bộ.
Khi được hỏi đâu là động lực duy khiến ngài và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình cho xuất bản cuốn “Công lý và hòa bình trên Biển Đông”, ngài chia sẻ: “Động lực duy nhất đó là lòng yêu nước và cố gắng để làm sáng tỏ một vấn đề mà lúc đó cũng như ngày hôm nay đang là vấn đề nhạy cảm, đó là hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông – một biển mà có chiều dài lịch sử là biển của Việt Nam”.
Vì vậy, mục đích của việc tổ chức buổi tọa đàm và cho xuất bản cuốn sách ấy là “đòi công lý và hòa bình cho vùng biển của Việt Nam, vùng lãnh hải của Việt Nam."
Khi được hỏi về việc Việt Nam – bao gồm các học giả, trí thức và chính quyền – đã làm đủ những gì cần phải làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình chưa, Đức cha Hợp đã trả lời là: “Nhìn lại lịch sử của Dân tộc, những gì cha ông chúng ta đã làm thì chúng ta phải xấu hổ vì những gì chúng ta chưa làm và không làm trong giai đoạn hiện nay.”
Đặc biệt ngài không hiểu tại sao nhà cầm quyền Việt Nam đáng lẽ ra là phải tạo cơ hội để cho các nhà nghiên cứu, các nhà trí thức xuất bản những bài viết, những cuốn sách nói về giá trị lịch sử của Trường Sa và Hoàng Sa, lại “phản ứng rất bạo lực đối với những người muốn chứng tỏ rằng Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam”.
‘Con có một Tổ quốc’
Nói đến lời mời gọi biểu lộ lòng yêu nước của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một bài thơ, một bài hát – hay đúng hơn một cảm nhận cá nhân – rất quen thuộc với nhiều người Công giáo, đặc biệt là giới trẻ Công giáo Việt Nam, và được nhắc đến hay đăng tải nhiều trên các trang mạng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào HD-981 vào trong vùng biển của Việt Nam.
Đó là bài “Con có một Tổ quốc” của Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận – người từng giữ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh – trong đó có đoạn:
“Con có một tổ quốc Việt Nam,
Quê hương yêu quí ngàn đời.
Con hãnh diện, con vui sướng.
Con yêu non sông gấm vóc,
Con yêu lịch sử vẻ vang.
Con yêu đồng bào cần mẫn,
Con yêu chiến sĩ hào hùng.”
Và:
“Là người Công Giáo Việt Nam,
Con phải yêu Tổ Quốc gấp bội.
Chúa dạy con, Hội Thánh bảo con.
Cha mong giòng máu ái quốc,
Sôi trào trong huyết quản con.”
Ngài viết những cảm nhận này ngày 8/12/1975 khi bị quản thúc ở Cây Vông, Phú Khánh – cũng là lúc ngài phải sống xa địa phận, con cái của mình, khi phải đối diện với một hoàn cảnh rất cô đơn, nếu không muốn nói là rất tuyệt vọng.
Nhưng dù sống trong một hoàn cảnh như thế, ngài vẫn nghĩ tới Quê hương, Đất nước, Tổ quốc. Vì được viết trong một hoàn cảnh đó – viết để tự nhắc nhở mình cũng như bao thế hệ sau luôn biết yêu Quê hương, Đất nước – bài “Con có một Tổ quốc” mang một ý nghĩa rất đặc biệt và thực sự đã được nhiều người quý mến, đón nhận.
Cụ thể, bài thơ này đã được một số người – như Linh mục Ðỗ Bá Công – phổ nhạc và được những ca sỹ nổi tiếng như Khánh Ly trình bày rất hay và truyền cảm.
Đoàn Xuân Lộc
(Nguồn: VOA )
Nguồn : diaphanvinh.net
0 comments :
Post a Comment