Thời gian trôi nhanh đến không ngờ! Phong Trào TNTT/VN tại Hoa Kỳ nay sắp tròn 30 tuổi tính từ ngày công bố thống nhất trên bình diện toàn quốc vào tháng 7 năm 1984 nhân dịp Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Lần Thứ Nhì được tổ chức tại New Orleans.
(Xem hình ảnh)
Nếu lịch sử thành lập của 10 công ty nổi tiếng thế giới khởi đầu từ nhà để xe (garage) nhỏ bé và ngày nay với lợi nhuận thu nhập hàng tỷ dollars mỗi năm, thì lịch sử thành lập của PT/TNTT/VN tại Hoa Kỳ cũng khởi sự từ một căn nhà nhỏ bé tại thành phố San Jose, tiểu bang California. Nhân dịp PT mừng kỷ niệm 30 năm thành lập trong cuộc họp Hội Đồng Trung Ương từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5 năm 2014 tại Atlanta, xin ghi lại dưới đây một số những diễn biến và một vài kỷ niệm đáng nhớ của thuở ban đầu.

1) Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ từ thuở ban đầu:

Trong thời gian từ năm 1980 đến 1982, thỉnh thoảng tôi gởi một bài viết về TNTT hoặc một vài trang tài liệu giúp cho huynh trưởng TNTT trên Nguyệt san Liên Lạc của Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh, lúc đó ngài là Uỷ Viên Liên Lạc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Báo Liên Lạc phát hành trên khắp nước Mỹ, kể cả sang các trại tị nạn Đông Nam Á. Nhờ vậy mới bắt lại được liên lạc với Cha Giuse Vũ Đức Thông, nguyên Tổng Tuyên Uý của TNTT bên VN cho đến 30 tháng 4, 1975. Cũng nhờ vậy mà có được sự nối kết với một số các Đoàn TNTT rải rác trên toàn quốc Hoa Kỳ.

• Năm 1983 dù chẳng có ngân quỹ làm việc, chẳng có phương tiện nào khác ngoài cái máy đánh chữ xài ké của Cha Giuse Nguyễn Văn Tịnh. Cha Giuse Vũ Đức Thông lúc đó bên trại tị nạn Galang, Indonesia viết bài gởi sang Hoa Kỳ. Chúng tôi gồm Giuse Nguyễn Đình Mạnh Trường và Giuse Đặng Văn Kiếm, người đánh máy, người bỏ dấu tiếng Việt từng chữ từng trang phát hành bản tin Hạt Cải hằng tháng để liên lạc đề nghị nội dung sinh hoạt cuối tuần, gởi tới các Đoàn đang sinh hoạt tại các tiểu bang lớn như California, Texas, Louisiana. Sau đó có thêm sự trợ giúp của các Huynh trưởng: John Francis Vũ Thế Toàn (nay là Linh mục Dòng Tên), Maria Ðinh Kim Nguyệt, Maria Nguyễn Thị Kim Thoa lo việc phát hành.

• Khi Cha Giuse Vũ Ðức Thông sang định cư tại Úc, Trường-Kiếm chúng tôi bắt đầu tính đến chuyện thỉnh Cha Thông sang Mỹ giúp cho các khoá huấn luyện Huynh trưởng. Hồi ấy nhờ có công ăn việc làm ổn định nên tôi bỏ tiền túi mua vé máy bay cho Cha Thông sang Mỹ để giúp huấn luyện. Thế là khoá đầu tiên được mở tại Chủng Viện Thánh Giuse, Mountain View, California gần thành phố San Jose. Có rất đông các HT và các Thày đến từ khắp nơi tham dự.

• Năm 1984: Trưởng Phêrô Nguyễn Văn Liêm, nguyên Chủ Tịch BCH/TƯ từ trại tỵ nạn cũng sang định cư tại Hoa Kỳ, đã phối hợp cùng với các anh chị em chúng tôi tại San Jose phát hành nhiều tài liệu sinh hoạt và huấn luyện. Cũng thế, anh em chúng tôi cùng nhau mỗi người một chút, người góp công, người góp của để lo các chi phí in ấn và phát hành tờ Liên Lạc Đặc Biệt gởi đi khắp nơi, kể cả sang các trại tỵ nạn. Sau kết quả khả quan từ khoá huấn luyện đầu tiên tại vùng Bắc California, anh em chúng tôi cùng với Cha Thông, Cha Huyên, Tr. Liêm và các Trưởng trong nhóm Hạt Cải mở các Sa Mạc Huấn Luyện HT tại New Orleans, Port Arthur, Tulsa, Orange County, Denver. Nhờ đó mà nối kết và biết được những nơi có TNTT, không những tại Hoa Kỳ mà còn tại một số các nước như Đức, Pháp, Úc, Canada và các trại tỵ nạn bên Đông Nam Á.

2) Đến lúc thành hình:

Nhờ vào sự nối kết và liên lạc thường xuyên với các Đoàn TNTT tại Hoa Kỳ qua việc phân phối và cung cấp các tài liệu sinh hoạt và huấn luyện. Nhân cơ hội Cộng Đồng Giáo Sĩ và Tu Sĩ và Liên Đoàn Công Giáo VN tại Hoa Kỳ tổ chức đại hội lần thứ nhì tại New Orleans vào tuần lễ cuối tháng 7 năm 1984, anh em gợi lên ý tưởng cùng nhau về họp mặt. Ngay từ những ngày đầu năm 1984, từ căn nhà nhỏ bé tại San Jose, chúng tôi lúc đó gồm: Cha Vũ Thanh Tường, Cha Vũ Đức Thông, Cha Chu Quang Minh, Thày Nguyễn Văn Tề (nay là Linh Mục phục vụ cho Tổng Giáo phận San Francisco), Trưởng Liêm, Trường, Kiếm, Nguyệt họp hành liên tục để chuẩn bị cho việc thành lập. Gởi thư mời đến các Cha và các Đoàn TNTT, vận động với Ban Tổ Chức Đại Hội. Cha Chủ tịch lúc đó là Cha Mai Thanh Lương (nay là Giám mục Phụ tá tại GP Orange, CA) hết lòng ủng hộ và chúng tôi xin ngài nhờ Cha Nguyễn Đức Huyên đứng ra giúp về mặt lo địa điểm và tổ chức. Thế là một Ðại Hội Tuyên Úy, Trợ Úy, Huynh Trưởng toàn quốc và Sa Mạc Về Ðất Hứa được diễn ra với trên 180 tham dự viên tại thành phố Versailles gần nơi diễn ra đại hội Công Giáo. Qua 2 ngày huấn luyện các Huynh Trưởng tại Sa Mạc Về Đất Hứa, nơi được mệnh danh là làng Việt Nam, địa điểm của sa mạc sình lầy sau những cơn mưa đêm với hàng vạn con kiến càng, kiến lửa và muỗi tấn công liên tục. Song song là việc bầu cha Dominico Vũ Thanh Tường làm Tổng Tuyên Uý tiên khởi của PT tại trường đại học Loyola nơi diễn ra đại hội của CĐGSTS. Tiếp đến là buổi họp mặt Tuyên Uý, Trợ Uý và Huynh Trưởng đại diện từ các Đoàn trên toàn quốc. Toàn thể hội nghị đều đồng lòng hưởng ứng việc thành lập PT cấp toàn quốc và đã bầu ra một Ban Chấp Hành Lâm Thời để bắt đầu làm việc từ đó.

3) Một biến cố khó quên

Sáng thứ Sáu ngày 3 tháng 8 năm 1984, như thường lệ, khi vừa tắm xong để chuẩn bị đi làm thì Tr. Kiếm gọi phone. Tôi vẫn nhớ như in câu nói trên điện thoại của Tr. Kiếm: “anh Trường, Cha Tường mất rồi”. Như vẫn chưa tin, tôi hỏi lại Tr. Kiếm: “Cha Tường mất, tức là chết phải không”? và Tr. Kiếm xác nhận lại là đúng: “Ngài mất đêm hôm qua khi về gần tới Trung Tâm Công Giáo với Cha Chính, sau khi coi trận đá banh của Olympic tại đại học Stanford, chắc là bị heartattack”. Nghe xong, cả hai vợ chồng tôi đều bàng hoàng và khóc thương cho vị linh mục mà chúng tôi vô cùng quý mến. Hồi còn bên VN, Ngài cũng đã hết lòng lo cho TNTT; sang đến Hoa Kỳ, từ những ngày Đoàn TNTT đầu tiên được thành lập tại San Jose, ngài cũng đã hết lòng nâng đỡ và giúp huấn luyện các huynh trưởng. Từ những lúc chuẩn bị các chương trình huấn luyện, bàn thảo việc thành lập PT cấp toàn quốc, Cha cũng hết lòng và tận tuỵ chạy đi chạy về với những lần họp hành cùng với anh em chúng tôi. Cha Tường mất đi (Cha mất đêm thứ Năm ngày 2 tháng 8 năm 1984) để lại biết bao niềm tiếc thương không những cho Cộng Đồng Công Giáo VN tại Giáo phận San Jose mà cho cả PT TNTT hồi đó.

4) Xây dựng và phát triển

Sau những ngày bàng hoàng, hụt hẫng và ngay sau lễ an táng Cha Tường, Cha tân Chủ tịch LĐCGVNHK Petrus Vũ Đình Trác ghé qua nhà Tr. Kiếm nói chuyện và ngài nghĩ là Cha Ephrem Vũ Khiêm Cung đương nhiên thay thế Cha Tường vì khi bầu cử Cha Cung có số phiếu nhiều sau Cha Tường. Tr. Kiếm nói với Cha Trác không phải là việc đương nhiên, nên Cha Trác đã hội ý với Cha cựu CT Giuse Nguyễn Văn Tịnh, và Cha Tịnh đã đề nghị Cha Francis Phạm Văn Phương và bổ nhiệm Cha Phương vào chức vụ Tổng Tuyên Úy PT/TNTT/VN tại Hoa Kỳ trong một Văn Thư Bổ Nhiệm ký ngày 16 tháng 10 năm 1984.

Qua sự việc này, mỗi khi nghĩ lại, anh em chúng tôi đều tin tưởng rằng tất cả đều do hồng ân mà Thiên Chúa đã dành cho PT, đã yêu thương và quan phòng cách đặc biệt. Chúa đã ban cho PT một vị Tổng Tuyên Uý đầy lòng yêu thương, tận tình chăm sóc và hướng dẫn PT với tất cả tấm lòng, nhiệt thành xây dựng và luôn đồng hành với từng người trong Hội Đồng Lãnh Đạo để kiện toàn và phát triển PT từ những ngày đầu chập chững. Trải qua biết bao lần họp hành để kiện toàn Nội Quy, Nghi Thức, Chương trình Thăng Tiến Đoàn Sinh và những thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu cho PT trên toàn quốc Hoa Kỳ. Có lẽ chưa có hội đoàn nào mà các thành viên trong HĐLĐ có những phiên họp nhiều ngày và kéo dài từ sáng đến đêm như TNTT, dù chẳng có một ngân quỹ nào đài thọ cho các chuyến bay xa đi huấn luyện, hội họp. Các thành viên HĐLĐ hồi đó đều tự túc bỏ tiền túi để làm việc, để chi phí vé máy bay, để cùng nhau đóng góp cho những chi phí huấn luyện, hội họp, in ấn tài liệu v.v... Nhưng tất cả đều vẫn một lòng lo cho PT dù cũng có lúc cãi nhau đến khàn cổ trong những lần họp mà theo lời Đức Ông Phương là “phải có thế thì PT mới có được ngày hôm nay.” Xin ghi lại dưới đây một số những thành quả từ những năm đầu cho đến nay.

Nội Quy:

• 1984-1986 (Giai đoạn kiện toàn NQ): Ngoại trừ chương về tổ chức và điều hành, các chương khác đều giữ theo NQ từ VN.
• 1986-1991: Tu chính các khoản và các chương về hệ thống hành chánh và các chức vụ.
• 1992: Bản Nội Quy mới cho PT tại Hoa Kỳ.
• 1992-2009: Ít nhất trải qua 4 giai đoạn tu chính và bản tu chính 2009 đang được thi hành.

Nghi Thức:

• 1984-1989: Sử dụng theo Nghi Thức từ Việt Nam trước năm 1975
• Tu chính 1989: Thay đổi khăn quàng các Cấp, thêm khăn quàng HLV và Dự Trưởng.
• Tu chính 1996: Sửa đổi các nghi thức và nghiêm tập cho rõ hơn. Gặp một số tranh cãi tại cuộc họp HĐLĐ 1997 bên Missouri.
• Tu chính 1999-2001: Sửa các khẩu lệnh cho ngắn gọn, rõ ràng.
• Tu chính 2014: Sửa đổi một số chương cho phù hợp với cuốn Tu Chính QCHL 2011.

Quy Chế Huấn Luyện:

• Tu chính 1989: Thêm phần đào tạo HLV trong Hội Nghị HLV tại Trung Tâm Công Giáo Giáo Phận Orange.
• Tu chính 1991-1998: Sửa đổi các cấp bậc và chức vụ, các khoá, phân chia trách nhiệm cho từng cấp.
• 1999-2010: Tiếp tục tu chính cho đến năm 2011 thì chính thức thi hành.

Hành Chánh/Tài Chánh:

• Tương đối ổn định từ ngày có văn phòng TNTT (1996) và sau Tu Chính Nội Quy 2009.
• Sự liên kết với các Miền nhiều nhất là qua các dịp trọng đại như đại hội VĐH, chiến dịch thi đua.
• Thông tin nhanh nhờ: Email, facebook…
• Đăng ký hưởng quy chế là đoàn thể vô vị lợi (non-profit organization) từ năm 1998.
• Thống nhất về đồng phục, các mẫu đơn và các thủ tục hành chánh từ Đoàn lên đến Trung Ương.

Nghiên Huấn & Huấn Luyện:

• 1984-present: Có tổng cộng 20 khoá Sinai huấn luyện HLV các cấp; rất nhiều khoá đào tạo Cấp Lãnh Đạo, Cấp III và Chuyên Khoá do BNH và Trung Ương tổ chức (không kể các khoá từ Cấp I đến Cấp II do Miền và Liên Đoàn tổ chức.

• Chương Trình Thăng Tiến Đoàn Sinh từ Ấu, Thiếu, Nghĩa đã từng được phát hành rất nhiều với nhiều hình thức khác nhau. Tài liệu huấn luyện Huynh Trưởng cũng được một số Cha Tuyên Uý Ngành và HLV Cao Cấp cập nhật với rất nhiều nỗ lực, nhiều cố gắng cả về thời giờ cũng như tiền bạc cho chi phí in ấn và phát hành.

• Các sa mạc huấn luyện ngày càng áp dụng triệt để các hình thức nhằm tăng trưởng đời sống và tinh thần đạo đức, tâm linh. Các phương pháp nhằm tăng thêm kiến thức và chuyên môn qua các hình thức và các đòi hỏi cho các phần tiền sa mạc và hậu sa mạc; các điều kiện cần thiết phải hội đủ trước khi được thăng cấp.

Nhân sự & các biến cố lớn: PT trải qua 5 đời Tổng Tuyên Uý; 4 lần thay đổi Tuyên Uý Trưởng Ban Nghiên Huấn; 6 lần thay đổi Chủ tịch BCH Trung Ương; 4 lần đại hội toàn quốc Về Đất Hứa; 2 lần Hội Nghị Lãnh Đạo Toàn Quốc Giosuê.

• Tổng Tuyên Uý: Cha Dominico Vũ Thanh Tường, Cha Francis Phạm Văn Phương, Cha J.B. Chu Vinh Quang, Cha Phanxicô Xaviê Trần Quốc Tuấn, Cha F.X Nguyễn Thanh Bình, SVD.

• Tuyên Uý Trưởng Ban Nghiên Huấn: Cha Dominico Nguyễn Đức Huyên, Cha J.B. Chu Vinh Quang, Cha F.X. Trần Quốc Tuấn, Cha Martino Nguyễn Bá Thông.

• Chủ Tịch BCH Trung Ương: Tr. Phêrô Nguyễn Văn Liêm, Tr. Anthony Phạm Ngọc Anh, Tr. Giuse Nguyễn Đình Mạnh Trường, Tr. Antôn Nguyễn Ngọc Linh, Tr. Giuse Nguyễn Đức Thanh, Tr. Giuse Đào Văn Đức.

• Các Đại Hội: VĐH II 1992, VĐH III 1998, GIOSUE I 2001, VĐH IV 2004, GIOSUE II 2007, VĐH V 2010.

Số Lượng Đoàn và Thành Viên PT: Từ con số chỉ có vài Đoàn, nay có tổng cộng 126 Đoàn, hơn 1,500 Huynh trưởng và trên 20,000 Đoàn sinh đang sinh hoạt trong các Giáo Xứ và Cộng Đoàn Việt Nam.

5) Những kỷ niệm vẫn mãi còn nhớ

• Trong những ngày đại hội bên New Orleans và nhất là sa mạc Về Đất Hứa tại làng Versailles, vì luôn đi với các Cha nên tôi cũng được các cụ ông cụ bà gọi mình bằng Cha với thái độ cung kính lắm! Cha Tường, cha Thông và Tr. Kiếm thì cứ tủm tỉm cười mà không hề nói gì. Khi mình phủ nhận và cho họ biết là không phải cha cụ gì đâu thì họ lại gọi mình là bác mới khiếp chứ!

• Trên chuyến bay từ New Orleans trở về. Cha Vũ Thanh Tường, Vị Tổng Tuyên Uý tiên khởi của PT/TNTT/VN tại Hoa Kỳ đã cùng chúng tôi bàn bạc, chia sẻ rất nhiều những băn khoăn, những ưu tư cho những kế hoạch để phát triển PT trong những năm tháng sắp tới. Hồi ấy trên máy bay đều có nơi dành riêng cho những người hút thuốc ở phía sau. Cha Tường nói tôi order mỗi người 1 chai rượu nhỏ “vừa nhâm nhi vừa trò chuyện”. Ngài lại bảo “cậu đưa cho tớ 1 điếu thuốc, vừa nhâm nhi vừa phì phà thì nó mới đã”. 4 người chúng tôi đều cảm thấy rất phấn khởi cho sự thành công trong những ngày vừa qua tại New Orleans nhưng cũng không tránh khỏi những ưu tư lo lắng cho tương lai sắp đến. Khi về đến phi trường San Francisco có em ruột của Cha Tường là anh Vũ Ngọc Công ra đón. Thay vì về nhà ăn cơm chiều Chúa Nhật với Bà Cố, Cha Tường lại nói với tôi và anh Công là “thôi để mình về nhà của Trường ăn cơm với Cha Chu Quang Minh ở đấy cho vui, còn Bà Cố thì lúc nào cũng gặp rồi…”. Trong bữa cơm, chúng tôi lại thay phiên nhau chia sẻ những thành quả đã gặt hái được trong mấy ngày đại hội tại New Orleans. Tôi thì không quên kể cho mọi người về những đàn kiến, những con gián to như hồi bên VN, nhất là lúc chiều tối trong sa mạc huấn luyện, hai tay luôn phải vỗ những con muỗi liên tục tấn công từ đầu đến chân làm nhớ VN quá sức!

• Năm 1987, sau sa mạc Cấp III tại Tulsa, Oklahoma là cuộc họp HĐLĐ tại Carthage dịp Đại Hội Thánh Mẫu hàng năm tại Dòng Đồng Công. Chúng tôi gồm Tr. Liêm, Tr. Kiếm, Tr. Nguyệt và tôi đồng loạt xin từ chức vì nhiều lý do khác nhau. Sự việc này đã khiến Cha Đoàn Đình Bảng vừa than thở vừa rướm nước mắt. Lúc đó chỉ còn Tr. Phạm Ngọc Anh đứng mũi chịu sào cho đến khi bầu lại BCH mới.

• Dù chúng tôi từ chức đã nghỉ không sinh hoạt với PT sau kỳ họp HĐLĐ tại Carthage, Missouri năm 1987, nhưng Đức Ông Phương TTU luôn ân cần gọi điện thoại thăm hỏi. Câu mở đầu của ngài trên phone luôn là: “Trường đó Trường ơi! Cha Phương đây. Cậu thế nào rồi…” Các bài báo, nguyệt san Hướng Tâm Lên Ngài luôn gởi cho. Năm 1989, trước kỳ họp HĐLĐ tại Trung Tâm Công Giáo ở Orange County cho việc công bố thi hành các Khăn Quàng mới của đoàn sinh và các cấp, Đ.Ô. Phương gọi phone mời tôi làm việc trở lại và tham dự kỳ họp quan trọng này. Sau những giờ bàn cãi sôi nổi với cả một tường treo các mẫu khăn quàng, cũng may là có Cha Mai Khải Hoàn cùng lên tiếng phân tích và yểm trợ, do đó PT đã bớt thêm được một số kiểu khăn quàng do công lao của Tr. Chủ tịch Anh kiêm kiến trúc sư vẽ mẫu.

Chuyện TNTT là những câu chuyện kể không bao giờ hết. Các Cha và anh em chúng tôi thường nói thế. Đành phải tạm ngưng ở đây thôi vì Tr. Phó Chủ tịch Quản Trị Hoàng Công Thái Dương cho biết trên email là “em xin anh Trường viết ngắn gọn một vài kỷ niệm của cái thuở ban đầu…” vì số trang giới hạn. Khi nào có dịp thì lại kể tiếp vậy.

Nhìn lại 30 năm qua, toàn thể thành viên PT/TNTT/VN tại Hoa Kỳ không khỏi lấy làm hãnh diện khi thấy được sức sống tiềm tàng và sự phát triển không ngừng. Đã có rất nhiều lần Đ.Ô. Phương và một số các cha phải thốt lên rằng: “Chưa có đoàn thể trẻ nào năng động và có được một lịch sử lâu dài và bền vững như TNTT”. Sự phát triển không ngừng không những tại đất nước tự do Hoa Kỳ mà ngày nay sau nhiều chục năm bên Việt Nam đã bừng sống trở lại và lớn mạnh chưa từng có tại các giáo phận từ Bắc tới Nam. Riêng tại Hoa Kỳ, vào những năm đầu, số Đoàn TNTT chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nay lên tới 126 Đoàn. Từ con số zero, chẳng một xu trong ngân quỹ, nay với ngân quỹ dự phòng và luân chuyển vào khoảng vài chục ngàn dollars hàng năm cho các chi phí và lợi tức. Từ những phương tiện thô sơ không có đến 1 cái máy đánh chữ (typer writer) tiến đến việc thuê được văn phòng thường trực để làm việc từ năm 1996 với đầy đủ tài liệu, đồng phục và các vật dụng cần thiết đủ để cung cấp cho TNTT trên toàn thế giới… mà tất cả đều tự túc, không hề có một sự trợ giúp nào từ giáo quyền cũng như chính quyền. Tất cả là đều nhờ vào những hy sinh, cộng tác và đóng góp không ngừng nghỉ của các Cha Tuyên uý, Trợ uý, Trợ tá và Huynh trưởng các cấp.

Lịch sử đã chứng minh, và một lần nữa, các thành viên trong PT sẽ chứng minh trong thời gian 2 năm sắp tới (2014-2016) là sẽ cùng nhau đóng góp cho chiến dịch gây quỹ mua trụ sở chính cho PT. Vì đó là một nhu cầu vô cùng cần thiết để:

• Nối kết các sinh hoạt của PT/TNTT/VN tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác
• Thống nhất hành chánh cũng như huấn luyện
• Làm nơi tĩnh huấn, hội họp và huấn luyện các cấp lãnh đạo
• Làm nơi cung cấp các tài liệu và đồng phục
• Thực hiện kế hoạch đầu tư dài hạn và hữu hiệu hơn để hỗ trợ các hoạt động Tông Đồ của Thiếu Nhi Thánh Thể.

Cùng nhau chúng ta ôn lại lịch sử để tiếp tục xây dựng ngôi nhà tương lai của Phong Trào. Châm ngôn “Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh, Làm Tông đồ” được liên kết mỗi ngày sống trong tình yêu Chúa Giêsu Thánh Thể. Đó chính là thể hiện cụ thể linh đạo “Sống Ngày Thánh Thể” và là biểu tượng của Người Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.


Giuse Nguyễn Đình Mạnh Trường

(Nguồn: Vietcatholic)

0 comments :

 
Top