PHẦN II Nội Dung Công
Đồng
4 Hiến chế:
Phụng vu: Sacrosanctum Concilium (SC), 22/11/1963,
Bỏ phiếu 22/11/1963 với 2147 thuận 4 chống,
ban hành 4/12/1963 – Khóa II
Giáo Hội: Lumen gentium (LG),
bỏ phiếu 19/11/1964,với 2151 thuận, 5 chống.
ban hành 21/11/1964. Khóa III
Mạc Khải: Dei Verbum (DV),
bỏ phiếu 29/10/1965,với tỷ số phiếu thuận 2341/8,
ban hành 18/11/1965, Khóa IV
Mục vụ: Gaudium ét Spes (GS)
bỏ phiếu 6/12/1965,với tỷ số phiếu thuận 2341/8,
ban hành 7/12/1965, Khóa IV
9 Sắc lệnh:
Giám mục: Christus Dominus (CD),
bỏ phiếu 6/10/1965,với tỷ số phiếu 2391/4,
ban hành 28/10/1965 Khóa IV
Linh mục: Presbyterorum ordinis (PO),
bỏ phiếu 13/11/1965,với tỷ số phiếu thuận 2390/4,
ban hành 7/12/1965, Khóa IV
Dòng tu: Perfectae caritatis (PC),
bỏ phiếu 7/10/1965 với tỷ số phiếu 2521/4,
ban hành 28/10/1965, Khóa IV
Đào tạo Linh mục: Optatam totius Ecclesiae renovationem (OT)
Bỏ phiếu 8/10/1965,với tỷ số phiếu
ban hành 28/10/1965 Khóa IV
Tông đồ Giáo dân: Apostolicam actuositatem (AA),
bỏ phiếu 10/11/1965,với tỷ số phiếu thuận 2305/2
ban hành 18/11/1965, Khóa IV.
Truyền Giáo: Ad Gentes (AG),
bỏ phiếu 12/11/1965,với tỷ số phiếu thuận 2394/5,
ban hành 7/12/1965, Khóa IV
Giáo Hội Đông phương công giáo: Orientalium Ecclesiarum (OE),
bỏ phiếu 20/11/1964 với 2110/29 phiếu;
ban hành 21/11/1964. Khóa III
Đại kết: Unitatis redintegratio (UR)
bỏ phiếu 20/11/1964 với 2137/11 thuận;
ban hành 21/11/1964 Khóa III.
Truyền thông: Inter mirifica (IM)
bỏ phiếu 25/11/1963 với tỷ số phiếu thuận 1960/164
ban hành 4/12/1963, Khóa III
3 Tuyên ngôn:
Tự do tôn giáo: Dignitatis humanae (DH),
bỏ phiêu 11/11/1965,với tỷ số phiếu thuận 2308/70,
ban hành 7/12/1965, Khóa IV
Tôn giáo ngoài Kitô giáo: Nostra Aetate (NA),
bỏ phiếu 10/10/1965,với tỷ số phiếu 2221/88,
ban hành 28/10/1965, Khóa IV
Giáo dục kitô giáo: Gravissimum educationis momentum (GE)
bỏ phiếu 9/10/1965, với tỷ số phiếu 2290/35,
ban hành 28/10/1965, Khóa IV
Giáo Hội: trở về Nguồn để canh tân nội tâm, nội bộ, phục vụ Thế giới và Nhân loại với Tứ chế, Cửu Lệnh và Tam thức:
- Mặc khải: Nguồn Christos duy nhất, song phương Thánh Kinh và Thánh Truyền.
- Phụng vụ thánh: Giáo Hội Phụng thờ Thiên Chúa, Thánh Lễ, Bí tích, Kinh Phụng vụ, Thánh nhạc, Nghệ thuật thánh,
- Giáo Hội: Mầu nhiệm, Hiệp thông từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội của Chúa Kitô – Christos Trung tâm và là Mặc khải Viên mãn. Là Dân Thiên Chúa với các thành phần: Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ, Giáo dân cùng được kêu gọi nên thánh.
- Mục vụ: Giáo Hội hướng về và phục vụ thế giới và nhân loại, đối nội cần Hiệp nhất Đông Tây, Đại kết; đối ngoại với Ý thức Tự do tôn giáo, Đối thoại Liên tôn, Giáo dục, cần Truyền thông, Truyền giáo, Tông đồ Giáo dân.
I. HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ
1. Bản chất Phụng vụ thánh:
Hiến chế về “Phụng vụ thánh”, được gọi là “Sacrosanctum Concilium” (Thánh Công đồng) viết tắt bằng hai chữ đầu SC, được Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 4/12/1963, sau những bàn luận gồm 326 phát biểu và 600 nhận xét có ký tự. Đại hội Công đồng hầu như nhất trí với 2147 phiếu thuận, và chỉ 4 phiếu không đồng ý.
Phụng vụ có vai trò rất quan trọng, vì là trung tâm đời sống của Giáo Hội, mang tính vừa nhân loại vừa thần thiêng, hàm chứa những thực tại vừa hữu hình vừa vô hình, vừa giúp cho Dân Chúa được sốt sắng trong hành động và chiêm ngắm: Giáo Hội vừa hiện diện trong thế giới vừa hướng về Thiên Chúa. Nhờ Phụng vụ, những gì là nhân trần thì được quy hướng về Thần thiêng, hữu hình thì hướng về vô hình, thuộc hành động thì quy hướng về chiêm niệm, những gì hiện tại thì hướng về tương lai.
Trong Phụng vụ, Giáo Hội cho phép Dân Chúa tham dự vào ơn cứu độ của Chúa Kitô ngay trong hiện tại, qua hy tế Thánh Lễ, nhờ thánh chức Linh mục, và cao đỉnh nhất là lúc Hiệp lễ Thánh Thể dưới hai hình. Ơn cứu độ được hiện thực hoá nhờ các Bí tích: khi một người cử hành phép Rửa là chính Chúa Kitô làm phép Rửa. Chúa Kitô hiện diện trong Lời Kinh Thánh: Chính Người nói trong khi Kinh Thánh được Công bố, khi Giáo Hội cầu nguyện và xướng hát: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội” (SC 10). Phụng vụ hiện thực hoá những kỳ công do Thiên Chúa hành động trong Đức Kitô qua các Bí tích, nơi con người được thánh hoá qua các dấu hiệu hữu hình và do cách mỗi người thực hiện. Trong Phụng vụ, toàn diện việc Phụng tự công được thi hành bởi nhiệm thể của Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu và các Chi thể. Nhờ đó, các Chi thể tham dự trước vào Phụng vụ thiên quốc được cử hành trong thành thánh Jerusalem trên trời, nơi Chúa Kitô ngự bên hữu Chúa Cha và tất cả chúng ta đang lữ hành về đó (x. SC ss. 1-3).
2. Phụng vụ theo tinh thần thời các Giáo phụ,
Phụng vụ là trọng tâm Lời giảng dạy và hoạt động của các thánh Giáo phụ. Công đồng muốn trở về nguồn với những thực hành của các Giáo phụ. Hoạt động của các ngài không có mục đích gì khác hơn là Khai Tâm Bí Tích cho Dự tòng và Tân tòng vào cuộc sống thân mật với Đức Kitô. Để khai tâm bí tích cho các Kitô hữu, thì không bao giờ các ngài rao giảng mà đồng thời lại không soi sáng về các Mầu nhiệm Đức Tin mà các bí tích chỉ thị. Các Giáo phụ luôn tỏ ra là tôi tớ phục vụ Bàn tiệc kép: Bàn tiệc Lời Chúa và Bàn tiệc Thánh Thể. Hiến chế Mặc khải hai lần nhắc đến trọng điểm này: “Giáo Hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu” (DV 21 và x.26).
Thánh Giáo hoàng Lêô đã dùng Phụng vụ làm đề tài chính cho các bài giảng của mình. Một trăm năm trước đó, thánh Cyrillo thành Jerusalem đã coi việc giảng giáo lý (catechese) là công việc chính của ngài: theo nhịp thòi gian của mùa phục sinh, ngài giải thích cho các Dự tòng và cũng cho các Kitô hữu về các Mầu nhiệm Đức Tin nuôi sống đời tín hữu. Từ thế kỷ thứ III, Origene lúc còn là giáo dân tại Alexandrie và sau này là linh mục tại Césarée Palestine, Ông say mê với sự mới mẻ của Tân Ước, không bao giờ đọc Cựu Ước cho các Dự tòng và Tân tòng, trái lại rất thuờng dùng những hình ảnh tiên trưng trong Cựu Ước, giống như thánh Phaolô, trong chương 2 của thư 1 Corintô: Xuất hành là tiên trưng cho Bí tích Rửa tội, Manna bởi trời và Nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc là tiên trưng cho Bàn tiệc Thánh Thể, trong khi Cuộc Chung thẩm (Parousie) đang được chờ đợi lại mở lòng tín hữu ngưỡng vọng sâu xa về vinh quang viên mãn trong Đức Kitô. Chính Ông và các Giáo phụ sau ông phát huy cùng đào sâu các tư tưởng đó để cống hiến lương thực thiêng liêng hằng ngày cho các Kitô hữu trong một Phụng vụ mà ngày nay chúng ta gọi là Phụng vụ Lời Chúa. Do đó, Đối với các Giáo phụ và đối với chúng ta ngày nay, Phụng vụ Lời Chúa phải là lúc ưu tiên cho bải giảng về Thánh Kinh (Homelie). Hồng y Danielou trong tác phẩm “Sacramentum futuri” (Bí tích về tương lai) hoặc tác phẩm “Bible et Liturgie” (Kinh Thánh và Phụng vụ) đã làm sống lại các bài đọc phụng vụ và coi đó là bí quyết và là đặc sủng của các Giáo phụ. Thánh Basile thành Cesaree thuộc Cappadoce vào thế kỷ thứ IV đã chứng tỏ rằng các Giáo phụ đã thực hiện một hợp đề cao đẳng nhất về Giáo lý Bí tích và Giáo lý Thánh Kinh.
Theo tinh thần đó, Công đồng Vaticanô II muốn phục hồi phương pháp của các thánh Giáo phụ trong khi công bố Hiến chế Phụng vụ, để cống hiến cho Giáo Hội hôm nay sức sống ấy. Phụng vụ là sự sống của Giáo Hội. Phụng vụ huấn luyện Đức Tin và diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô.
3. Mục đích Canh tân Phụng Vụ (x. SC ss. 5-13)
Vấn đề là cần canh tân Phụng vụ theo chiều hướng trở về nguồn ấy. Phụng vụ là đề tài đã gây chấn động từ mấy chục năm trước Công đồng. Cuộc canh tân Phụng vụ nhằm xét lại và lo tổ chức sắp đặt các Bản Văn Phụng Vụ trong việc Phụng Tự “để diễn tả rõ ràng và dễ lãnh hội hơn, để cho việc tham dự của giáo dân được đầy đủ, chủ động và có tính cách cộng đoàn, để thăng tiến đời sống tín hữu mỗi ngày một hơn”. Đó là mục đích của việc Canh tân Phụng vụ theo Công đồng trong đường hướng truyền thống. Vì từ khi Công đồng Tridentinô kết thúc năm 1663, Đức Giáo hoàng Piô V đã cải tân Sách Lễ và Kinh thần vụ mà Đức Piô X sẽ tiếp tục thực hiện. Đức Giáo hoàng Piô XII lại phục hồi lễ Canh thức Phục sinh và Lễ nghi Tuần thánh. Mục đích căn bản của Canh tân Phụng vụ là làm sao thăng tiến đời sống Kitô giáo cho các tín hữu, cần thích nghi với nhu cầu thời đại những cơ chế tự bản chất phải biến đổi theo dòng thời gian. Để Canh tân Phụng vụ, cần phải xem xét việc hồi phục cũng như sự tiến bộ của Phụng vụ như thế nào để nhằm xây dựng Đền thánh của Thiên Chúa trong Thánh Thần và chứng tỏ Giáo Hội của Chúa Kitô càng thể hiện như một dấu hiệu trước mặt muôn dân. Một khi nguyên tắc đã được đặt ra, việc Canh tân cần trung thành với Truyền thống sinh động của Giáo Hội, Công đồng xác định vai trò của các tác nhân hữu trách Phụng vụ: Toà thánh, các Giám mục, các Hội đồng giám mục được thành lập hợp pháp có thẩm quyền trong một lãnh thổ nhất định. Vì thế, ý thức về những khó khăn đã xảy ra trong lòng Giáo Hội, Công đồng xác định thêm rằng, không ai khác, ngay cả Linh mục, không được phép tự ý thêm bớt bất cứ gì trong Phụng vụ. Mỗi một thay đổi đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng về thần học, lịch sử, mục vụ, để xác tín có ích lợi thực sự cho tín hữu và phải được hội kết với những gì đã có sẵn. Công đồng cũng đòi hỏi không được có sự quá khác biệt giữa các vùng miền kế cận nhau. Câc lễ nghi phải đơn giản, vắn gọn, không trùng lặp cách vô ích, và thích hợp với giáo dân mà không cần phải giải thích dài dòng họ mới hiểu được.
Uỷ Ban Trung ương và Uỷ Ban Chuẩn bị Công đồng có bổn phận soạn thảo lược đồ Phụng vụ cho thích hợp, và trong thực tế, bản văn đã phải trải qua nhiều giai đoạn. Với bối cảnh nhiều ý kiến trong Uỷ Ban chuẩn bị, bản văn Hiến chế Phụng vụ không đồng nhất, nhưng Uỷ Ban Trung ương đã hiệu đính trong chiều hướng dè dặt. Ngay từ đầu, Cuộc bàn luận trong Công đồng phải quy hướng về 3 điểm: 1/ vấn đề ngôn ngữ phụng vụ cho Thánh Lễ. 2/ Rước lễ dưới hai hình. 3/ vấn đề đồng tế.
4. Lược đồ Phụng vụ được đưa ra cho các nghị phụ thảo luận chính là lược đồ thứ nhất của Công đồng. Xem thế mới biết các Nghị phụ đã cho Phụng vụ là quan trọng trong công cuộc Canh tân Giáo Hội cho đệ tam thiên niên kỷ. Với Tự sắc Tra le sollecitudini (1903 – “Giữa những âu lo”) Đức Giáo hoàng Piô X đã cổ võ việc tín hữu tham gia chủ động vào Phụng vụ. Nước Bỉ đã mở đường bằng cách in sách lễ song ngữ La Pháp để giúp giáo dân theo dõi Thánh lễ và tránh không cho rước lễ ngoài Thánh Lễ. Từ 1910, tu sĩ biển đức Dom Lambert Beaudin đã minh chứng, không chỉ có Linh mục cử hành Thánh lễ, mà toàn cả Cộng đoàn Tín hữu, và ở hậu trường, là chính Đức Kitô, Đấng đã thành lập Giáo Hội như thế. Tại Đức quốc, Rômano Guardini giáo sư triết học tại Berlin, và Dom Odon Casel tu viện trưởng dòng Maria Laach tại Rhenanie đã trình bày Phụng Vụ như một mầu nhiệm chứ không như một khuynh hướng thu hẹp thành một mớ những cử điệu phải thi hành.
Trong Thông điệp Mediator Dei (1947 – Đấng Trung gian Thiên Chúa), Đức Giáo hoàng Piô XII lấy lại những đề nghị đó và cụ thể hoá trong việc hồi phục Lễ Canh thức Phục sinh (1951), lễ nghi Tuần thánh (1955) làm cho Thứ Năm Tuần thánh có chức năng Tưởng nhớ (commemoration) bữa Tiệc Ly. Tại Pháp từ sau thế chiến, đã thành lập Trung tâm quốc gia Mục vụ về Phụng vụ (CNPL Centre National de Pastorale liturgique) và tạp chí Maison Dieu (Nhà Chúa) điều phối các nghiên cứu. Việc cử hành các Bí tích (trừ Thánh Thể) có thể cử hành bằng tiếng địa phương. Đối với Thánh Lễ, đã có những bàn luận từ năm 1950.
Trong Thông điệp Mediator Dei (1947 – Đấng Trung gian Thiên Chúa), Đức Giáo hoàng Piô XII lấy lại những đề nghị đó và cụ thể hoá trong việc hồi phục Lễ Canh thức Phục sinh (1951), lễ nghi Tuần thánh (1955) làm cho Thứ Năm Tuần thánh có chức năng Tưởng nhớ (commemoration) bữa Tiệc Ly. Tại Pháp từ sau thế chiến, đã thành lập Trung tâm quốc gia Mục vụ về Phụng vụ (CNPL Centre National de Pastorale liturgique) và tạp chí Maison Dieu (Nhà Chúa) điều phối các nghiên cứu. Việc cử hành các Bí tích (trừ Thánh Thể) có thể cử hành bằng tiếng địa phương. Đối với Thánh Lễ, đã có những bàn luận từ năm 1950.
Tại vài nơi, một số thực hành đã được đề ra để giúp cho tín hữu tham gia chủ động vào Thánh Lễ: Bàn thờ đặt vào trung tâm để Giáo dân xích lại gần với Chủ tế. Nhạc sĩ J. Gelineau và L. Deiss cùng với nhiều người khác đã sáng tác những thánh ca bằng tiếng Pháp, nhất là từ khi có bản dịch các Thánh vịnh của bản Thánh Kinh Jerusalem; Việc phổ biến những trang giấy hát in roneo càng lan rộng, từ từ thành thói quen đối đáp trong Thánh Lễ giữa Linh Mục Chủ Tế và Giáo Dân càng lan rộng, vì việc đối đáp này không chỉ dành riêng cho các chú giúp lễ mà thôi, từ đó mới có Sách lễ Giáo dân; ngoài ra còn thịnh hành những cử hành Á Phụng Vụ hoặc Phụng vụ “tiền đường” (trước “ngưỡng cửa”) để thu hút những người nguội lạnh không thực hành đạo.
5. Sự tham dự tích cực của các Tín Hữu trong Phụng vụ thánh (x. SC ss 14-20):
Mục đích của Canh Tân Phụng Vụ chủ yếu là Mục Vụ. Trung thành với truyền thống sống động của Giáo Hội là lo sao cho các tín hữu được tham dự tích cực hữu hiệu vào các Cử Hành Phụng Vụ. Công đồng ý thức cuộc canh tân cần nhắm điều cốt yếu. Nếu Giáo Hội loan báo cho mọi người Tin Mừng cứu độ theo sứ mệnh đã nhận lãnh từ Đức Kitô, một người không tin chỉ có thể đạt tới đời sống Giáo Hội và Phụng Vụ bằng cuộc hoán cái nội tâm và Đức Tin của mình. Những Cử Hành Phụng Vụ dầu thích hợp nhất, mà không mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn như tín hữu không tham gia với một tâm hồn ngay chính, không hòa hợp lòng trí với lời cầu nguyện, không cộng tác với ân sủng được Chúa ban, thì vẫn là vô bổ. Chỉ lo tuân giữ các qui luật trong khi Cử Hành Phụng Vụ cho hợp pháp và thành sự mà thôi thì không đủ, cho dù các tín hữu tham dự với ý thức chủ động (x. SC ss. 5-8)
Ngoài ra Đời sống thiêng liêng không được hạn hẹp trong việc tham dự Phụng vụ suông mà thôi. Nếu Kitô hữu được kêu gọi cầu nguyện chung như Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong Phúc Âm, phải vào phòng mình, cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trong nơi kín nhiệm. Cũng vậy, Thánh Tông Đồ Phaolô khuyên phải cầu nguyện không ngừng. Kitô hữu nên nhớ không bao giờ được bỏ các thực hành đạo đức của dân Kitô giáo để diễn tả lòng đạo đức bình dân và truyền thống, nhưng phải hội nhập chúng vào Phụng Vụ (SC s. 9-10).
6. Ngôn ngữ Phụng vụ (x. SC ss. 36-40)
Nếu tiếng Latinh cần phải được bảo tồn trong lễ nghi Latinh trong Thánh lễ hoặc trong các phần khác của Phụng vụ thì việc dùng ngôn ngữ bản xứ thường rất ích lợi trong các bài đọc, các lời khuyên bảo, lời cầu nguyện hoặc thánh ca. Hội đồng Giám mục phải quyết định và đệ trình Tòa thánh. Giáo Hội không áp đặt những hình thức cứng đờ nhưng Giáo Hội luôn chăm sóc những hồng ân của các dân tộc khác nhau để hòa hợp với các nguyên tắc của tinh thần Phụng Vụ đích thực. Vì Phụng Vụ có liên quan mật thiết với Đức Tin, nên những thí nghiệm phải được Giáo quyền chấp thuận trong một thời gian hạn hữu, nhất là trong các xứ truyền giáo, cần được Thẩm quyền Giáo Hội quyết định sau khi đã tường tận lý do. Những lời kinh luôn luôn có giá trị qua các thời đại và ở khắp mọi nơi như: Amen, Alleluia, Hosanna, Kyrie Eleison không cần dịch ra ngôn ngữ bản xứ. Trái lại phải cổ động dùng các Thánh ca được mọi người thông thạo trong các buổi cử hành Phụng vụ rộng lớn như cấp độ Giáo phận, Quốc gia hay Quốc tế.
7. Trong Giáo phận và Giáo xứ
Phụng vụ là lúc Giáo Hội được bừng sáng và tỏ rạng dung nhan Thiên Chúa. Phụng vụ diễn tả điều đó một cách sáng chói xung quanh Giám mục trong nhà thờ Chánh tòa trong khi cử hành Thánh Thể cùng một lòng một ý cầu nguyện ngay trước bàn thờ duy nhất, nơi Giám mục chủ tọa với sự tham dự của Linh Mục Đoàn và các Thừa Tác Viên. Nhưng cũng như Giám mục không thể đích thân chủ tọa luôn luôn và khắp mọi nơi, ngài cần phải thành lập các Cộng đoàn Tín hữu trong đó Giáo xứ là quan trọng nhất được tổ chức tại các địa phương bởi các Mục Tử thay mặt Giám mục. Vì một cách nào đó, các Giáo Xứ làm cho Giáo Hội hiện diện, Giáo Hội hữu hình được thiết lập trong vũ trụ. Vì thế cần phải cổ võ trong tinh thần và trong thực hành của các Tín Hữu và hàng Giáo Sĩ đời sống Phụng Vụ của Giáo Xứ. Phụng vụ trong Cộng Đoàn Giáo Xứ, nhất là trong cuộc cử hành cộng đoàn của Thánh Lễ ngày Chúa nhật, rất có ý nghĩa. Mục Vụ về Phụng Vụ vì thế rất quan trọng và cần thiết. Công đồng cũng khuyên, Một Học Viện Mục Vụ về Phụng Vụ trên cấp bậc Quốc gia, Ủy ban về Phụng vụ, Thánh nhạc và Nghệ thuật thánh có thể giúp ích rất nhiều (x. SC ss. 41-42)
8. Diễn tiến Nội dung:
- Chương 1 trình bày những nguyên tắc canh tân, được chấp thuận ngay từ khoá đầu tiên và toàn bộ bản văn được chấp thuận vào khoá thứ hai với 2158 phiếu thuận và 19 phiếu chống (x. SC ss. 5-13)
- Phần mở đầu của Hiến Chế về Phụng vụ – Sacrosanctum Concilium (SC), kể ra những lý do đưa đến cuộc canh tân và phát huy Phụng vụ: thăng tiến đời sống Kitô nơi tín hữu, thích nghi những cơ chế có thể thay đổi theo nhu cầu của thời đại, trung thành với những mục tiêu đại kết và truyền giáo, nhất là “làm hiện rõ mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính chân thực của Giáo Hội”. Phụng vụ được trình bày như một gặp gỡ với Đức Kitô là Đấng đang cử hành và như một chờ đợi cuộc quang lâm vinh hiển của Người. Phụng vụ hiện rõ như một sự nếm trước của Phụng vụ trên trời. Phụng vụ, nhất là Phụng vụ Thánh Thể, là nguồn suối và là cao đỉnh sự sống của Giáo Hội: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội. Thật vậy, các công lao khó nhọc trong việc tông đồ đều nhằm làm cho mọi người, nhờ đức tin và phép rửa, trở nên con cái Thiên Chúa, cùng nhau quy tụ ngợi khen Chúa giữa lòng Giáo Hội, thông phấn lễ Hiến Tế và ăn bữa tiệc của Chúa” (SC s.10 x.s.7).
Ðáp lại, chính Phụng Vụ thúc giục các tín hữu đã được no thỏa “nhiệm tích phục sinh”, phải trở nên “những người sống thích hợp trong tình yêu” (SC s. 26). Phụng Vụ nguyện cầu “cho họ ăn ở xứng đáng và trung thành giữ nhiệm tích họ đã lĩnh nhận với lòng tin tưởng”. Việc tái lập Giao ước của Chúa với con người trong Lễ Tạ Ơn nung nấu và lôi cuốn các tín hữu vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô. Vì thế, “chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được vô cùng tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh.” (SC 27)
Công đồng nhằm Canh tân Phụng vụ là để giúp tín hữu tham dự chủ động và có hiệu quả. Văn bản Công đồng nhấn mạnh đến vị trí của Lời Chúa. Các Bài đọc phong phú hơn và thay đổi nhiều hơn, Bài giảng của linh mục căn bản phải “lấy nguồn từ Thánh Kinh và từ Phụng vụ”. Việc Cử hành chung được ưu tiên hơn là các cử hành cá nhân riêng tư và Phụng vụ không chấp nhận việc phân biệt đẳng cấp trong các cử hành.
Tiếng la tinh vẫn còn là ngôn ngữ chính thức, nhưng tiếng nói hằng ngày có một chỗ đứng quan trọng vì lợi ích cho dân chúng, nhất là trong các bài đọc, lời huấn dụ, lời nguyện, các thánh ca và thánh vịnh, cần dùng bản dịch được Giáo quyền chấp thuận. Người ta có thể thích nghi làm sao cho hợp với trình độ các Cộng Đoàn Phụng Vụ. Đáng chú ý là hình thức biểu thị thích đáng của Giáo Hội địa phương, nhất là Thánh Lễ do Giám mục giáo phận chủ tế, tại nhà thờ chính toà của giáo phận và có linh mục đoàn hiện diện.
- Các Chương kế tiếp:
Sau chương căn bản, các chương kế tiếp bàn về những điểm đặc biệt. Như có thể rước lễ dưới hai hình(bánh và rượu thánh), trong một số trường hợp cụ thể..
9. Mầu nhiệm Thánh Thể (x. SC. Ss 47-58)
Đức Kitô là Thầy của Phụng vụ, đặc biệt hiện diện qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh thể, Bí tích tình yêu, dấu hiệu của hiệp nhất và mối dây bác ái, tiệc thánh phục sinh trong đó Đức Kitô được ăn, linh hồn tín hữu được đầy ân sủng và nhận được bảo chứng vinh quang tương lai. Đấng cứu độ chúng ta vào bữa tiệc ly trong đêm Người bị nộp đã thiết lập Hy tế Thánh Thể Mình và Máu Người để vĩnh viễn hóa cuộc Hy tế trên thập giá qua các thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Và Người giao phó cho Giáo Hội, hiền thê rất đáng yêu mến của Người, cuộc tử nạn phục sinh của Người. Việc canh tân cử hành Thánh Thể mà Công đồng đã thi hành và muốn hồi phục các Bài đọc Thánh Kinh cách phong phú hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn. Bài giảng là lúc vị chủ tế giải thích từ bản văn thánh về các Mầu Nhiệm Đức Tin, về các luật lệ đời sống Kitô hữu, cần được thi hành như là một phần của Phụng Vụ. Các ngày Chúa nhật và Lễ Trọng, Bài giảng không thể bỏ được vì bất cứ lý do nào. Lời nguyện Giáo dân sau Phúc Âm và Bài giảng là để khẩn cầu Thiên Chúa cho Hội thánh, cho những người có trách nhiệm về việc chung, những người nghèo đói và cho tất cả mọi người được hưởng ơn cứu độ. Ngôn ngữ bản xứ cần được dùng – vẫn không loại trừ tiếng latinh – để cho mọi người được nghe và những kỳ công của Thiên Chúa được công bố trong tiếng mẹ đẻ của mình. Việc Rước lễ dưới hai hình được thiết lập cho các tín hữu trong một số hoàn cảnh, tùy theo phán đoán của các Giám mục. Việc Đồng tế diễn tả cao độ mối hiệp nhất của chức linh mục, được cổ võ tùy theo phán đoán của các Giám mục. Tuy nhiên các linh mục cũng được tự do cử hành riêng miễn là không cùng lúc trong cùng một nhà thờ, và trong ngày thứ Năm Tuần Thánh.
Năm Thánh Thể được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 23/10/2005 kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục về Thánh Thể là nguồn suối và là cao đỉnh của đời sống Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI kế vị đã dùng lại câu nói “sự phong phú đa diện”trong Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (Bí tích Đức Ái) ngày 22/2/2007 để “làm sống lại trong Giáo Hội một đà mới và một lòng sốt sắng mới về mầu nhiệm Thánh Thể”trong khi trình bày Thánh Thể như “mầu nhiệm phải tin, phải cử hành, và phải sống”
10. Nghi thức Thánh Lễ:
Để áp dụng Hiến chế Phụng vụ, Đức Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập một cơ quan phụ trách mà ít lâu sau đã trở thành cơ quan lo việc canh tân Nghi thức Thánh Lễ. Từ đó mới có biệt danh “Thánh Lễ 1965”. Trong các lễ hát trọng thể, vẫn còn duy trì bình ca (gregorien) cho phần thường lễ, và các lời nguyện của linh mục. Còn Thánh Lễ thường, trước đây chỉ buộc dùng tiếng latinh cho Kinh Tiền tụng và Kinh Nguyện Thánh Thể. Thánh Lễ cử hành quay về phía Cộng đoàn (trở về truyền thống của những thế kỷ đầu – được viết trong số 91 của Huấn dụ do bộ Phụng tự ban hành năm 1964); Lời Chúa được công bố từ Thư Đài, không còn từ Bàn thờ chính; Lời Nguyện Giáo Dân được đọc sau kinh Tin Kính theo truyền thống đã có từ xa xưa.
Những năm tiếp theo, công việc Canh Tân Phụng vụ vẫn tiếp tục. Ngày 27/4/1965, Đức Giáo hoàng chấp thuận Kinh Tiền tụng được công bố long trọng trong ngôn ngữ bản xứ. Ngày 26/11/1967, HĐGM nước Pháp cho phép sử dụng tiếng Pháp cho phần Kinh nguyện Thánh Thể. Ngày 23/5/1968, Cộng đoàn được phép dùng thêm ba kinh nguyện Thánh Thể mới (Kinh nguyện II khởi hứng từ Kinh nguyện của thánh Hyppolite thành Rôma; kinh nguyện III do từ Kinh nguyện của Thánh Basile). Sau cùng, ngày 3/4/1969, sách lễ Rôma mới ra đời, thường được gọi là Sách Lễ Phaolô VI, được lưu hành từ 1/1/1970. Bài đọc trong Thánh Lễ cũng được phong phú hoá. Thánh Lễ Chúa nhật gồm ba bài đọc thay đổi nhau theo chu kỳ ba năm A,B,C. Như thế người mộ đạo đi lễ thường xuyên trong vòng ba năm sẽ nghe được phần lớn bộ Thánh Kinh. Tại Pháp, Giáo dân được phép cho Rước Lễ (5/3/1970), rước lễ trong bàn tay (29/6/1969) và rước lễ dưới hai hình trong nhiều hoàn cảnh hơn (29/6/1970). Hiện nay tại Việt Nam (2012) các thực hành đó đã trở nên bình thường trong nhiều giáo xứ trong cả nước. Nghi thức các Bí tích khác được in ấn từ năm 1969 đến 1977 (SC. Ss. 47-58).
11. Các Bí tích khác và Á Bí tích
Các Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng huyền thể Chúa Kitô để phụng thờ Thiên Chúa. Như là những dấu hiệu, các Bí tích cũng có vai trò giáo huấn. Không những Bí tích giả thiết phải có Đức Tin nhưng còn nuôi sống Đức Tin bằng lời và cử chỉ, còn làm cho vững mạnh và diễn tả Đức tin. Vì thế các Bí tích được gọi là Bí tích Đức Tin.
Ngoài ra Giáo Hội cũng thiết lập những Á bí tích: là những dấu hiệu thánh qua đó là một cách bắt chước các Bí tích, các hiệu quả thiêng liêng được ban cho con người nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội. Nhờ các Á bí tích, tín hữu được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận hiệu quả chính của các Bí tích trong các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống được thánh hóa nhờ thần ân phát xuất từ mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô. Những nghi lễ này cần được xét lại để diễn tả rõ ràng hơn bản tính và hiệu quả của các Bí tích (x. SC ss. 59-61)
12. Dự tòng:
Tiếp theo, Hiến chế còn dự kiến việc hồi phục quy chế Dự tòng cho người trưởng thành. Trong khi Bí tích Rửa tội cho trẻ em vẫn theo quy luật Phụng vụ như cũ tuy có phần đơn giản hơn, thì việc cử hành Bí tích Rửa tội cho người lớn Dự tòng có nghi thức Rửa tội theo từng giai đoạn (x. SC ss 64).
13. Bí tích xức dầu bệnh nhân có thể được lãnh nhận nhiều lần trong đời, không phải chỉ cho người hấp hối mà thôi. Bí tích này cũng có thể ban cho những người có sức khoẻ yếu kém.
Văn kiện Hiến Chế cũng xác nhận những thực hành của những năm trước đó, nay bắt buộc phải có Bài đọc Lời Chúa khi cử hành Bí tích Hôn phối. Nghi thức an táng cũng được tái xét, để làm sao “nghi thức này diễn tả tính cách phục sinh của cái chết theo quan niệm Kitô giáo (x. SC. Ss. 73- 77)
14. Phụng vụ Giờ kinh,
Phụng vụ Giờ kinh để ca tụng Thiên Chúa, là công việc của Chúa Kitô, Đấng tự kết hợp với Giáo Hội của mình. Theo truyền thống xa xưa của Giáo Hội, Phụng vụ Giờ kinh được thiết lập để thời gian ngày và đêm được thánh hiến cho việc ca tụng Thiên Chúa, được chu toàn theo luật bởi linh mục và các thừa tác viên khác của Giáo Hội. Các giờ kinh được phục hồi để thánh hóa các thời điểm khác nhau trong ngày và trong Năm Phụng Vụ. Các Thánh vịnh được phân phối theo giờ, các Bài đọc được lựa chọn cẩn thận cũng như các Thánh thi được hồi phục trong hình thức sơ khởi.
Các Cộng đoàn Tu sĩ, ngoài Thánh lễ cộng đoàn, còn bó buộc phải đọc Kinh Thần Vụ, hoặc tất cả hoặc một phần theo quy luật của các Kinh sĩ. Tu sĩ nam cũng như nữ, Kinh sĩ đoàn nhà thờ Chánh tòa cũng như các Cộng đoàn chung quanh Giám mục đều bó buộc đọc kinh Thần vụ. Giáo sĩ nào không buộc theo luật phải đọc Kinh Thần vụ trong kinh trường, thì có thể đọc chung với nhau khi có thể. Mầu nhiệm đời Chúa Giêsu Kitô được phổ cập cho cả chu kỳ trong năm, từ mầu nhiệm Nhập thể, sinh nhật cho đến Lên Trời, Lễ Hiện Xuống và cuộc cử hành mang ý nghĩa chờ đợi Đức Kitô lại đến. Kinh Thần vụ cử hành long trọng trong ngày lễ Phục sinh, trọng điểm được nhắc lại và thể hiện mỗi tuần trong ngày Chúa Nhật. Tất cả Phụng vụ Giờ kinh này đều được cử hành trong mối hiệp nhất với Đức trinh nữ Maria, với các Thánh Tử đạo và toàn thể các Thánh mà các ngày lễ kính các ngài công bố những kì diệu của Đức Kitô; các xương Thánh và ảnh tượng là những vật được dùng trong việc tôn sùng các ngài (x. SC ss. 83-101).
Hiến chế Phụng vụ cũng cho phép, Kinh Thần vụ được cử hành theo ngôn ngữ bản xứ và tốt nhất là cử hành tập thể trong Cộng đoàn, trong Thánh đường; các tín hữu cũng có thể đọc Kinh Thần vụ hoặc cùng với hàng Giáo sĩ hoặc đọc riêng một mình. Tại Pháp có in thành sách “Priere du temps present” (Kinh nguyện hiện tại) chia thành hai tuần (1965) và sau đó chia thành 4 tuần (1969). Tại Việt Nam, Kinh Thần vụ gọi là Phụng vụ Giờ Kinh do nhóm Phụng Vụ Giờ Kinh đã làm việc trong vòng 20 năm tại Tòa Tổng Giám mục Saigon và đã được HĐGM VN phê chuẩn và cho tái bản có sửa đổi tại Saigon năm 1995.
15. Thánh nhạc, nghệ thuật thánh và niên lịch:
Một chương khác, có đoạn nhấn mạnh việc phải tôn trọng truyền thống địa phương (SC số 119), nói về Nghệ thuật thánh (Ars sacra – SC 123-124).
Giáo Hội có một truyền thống phong phú về Thánh nhạc; Thánh ca Gregorien (Bình ca) là Thánh nhạc và Thánh ca riêng của Phụng vụ Rôma. Nhưng các loại Thánh nhạc khác nhất là đa âm không bị loại trừ khỏi các cử hành Phụng vụ miễn là các ca đoàn không cản trở Cộng đoàn cầu nguyện mà nâng đỡ họ. Thánh ca tôn giáo bình dân cũng như âm nhạc cổ truyền của các dân tộc cần được cổ võ. Đàn Phong cầm là dụng cụ truyền thống của Phụng vụ nhưng các nhạc cụ khác cũng có thể được dùng tùy theo việc chúng có thể giúp xây dựng lòng đạo của các tín hữu.
Nghệ thuật thánh là cao đỉnh của Nghệ thuật tôn giáo qua đó người ta nhằm diễn tả một cách nào đó sự thiện mỹ vô biên của Thiên Chúa vì thế Giáo Hội tích cực cổ võ các nhà nghệ thuật, không xét đến cách chuyên môn của nghệ thuật vì không thuộc sở trường của Giáo Hội. Nghệ thuật thánh, lợi dụng kho tàng Nghệ thuật của mọi thời và của mọi dân tộc, miễn là chúng phải tốt đẹp và thích ứng với các nơi thánh. Các Giám mục được kêu gọi phải nâng đỡ và huấn luyện các nghệ thuật gia Kitô hữu chân chính, các Giám mục phải biết chăm lo để tránh những gì phương hại đến ý nghĩa tôn giáo đích thực, sự tầm thường hóa hoặc là không đủ tính cách nghệ thuật.
Trong phần Phụ thêm, nói về Niên lịch, Giáo Hội tuyên bố không chống lại việc lễ Phục sinh phải được ấn định vào một ngày Chúa nhật bất di bất dịch với sự đồng ý của Giáo Hội các anh em ly khai. Giáo Hội cũng không chống lại việc sẽ thiết lập một niên lịch thường hằng trong xã hội dân sự miễn là niên lịch ấy bảo tồn 7 ngày với ngày Chúa Nhật để các tuần lễ được nối tiếp nhau một cách có quy cũ.
16. An trí trong Thánh đường.
Cách bố trí trong nhà thờ cũng được cải tổ: Bàn thờ tiến về phía Cộng đoàn hoặc được thiết trí tại trung tâm, có Thư đài để long trọng công bố Lời Chúa, phế bỏ các Bàn thờ cạnh tại các nguyện đường dọc theo hai bên kinh trường nơi mà trước đây các Linh mục thường dùng để dâng lễ riêng một mình và đồng thời với nhau, vào buổi sáng, có một chú giúp lễ, đôi khi có vài tín hữu hiện diện.
Ân xá của Bộ Phụng tự ngày 3/10/1984 đã cho phép dùng sách lễ 1962 (theo nghi thức thánh Piô V), với một số điều kiện hạn hẹp. Tự sắc của Giáo Hoàng Benoit XVI ngày 7/7/2007 cho phép tự do dùng. Ngài cho phép sử dụng nghi thức này gọi là nghi thức ngoại thường được cử hành cách thường xuyên nếu có một nhóm cố định các giáo dân thỉnh cầu.
17. Áp dụng cụ thể việc Canh tân Phụng vụ.
Hiện nay việc Canh tân Phụng vụ đã được áp dụng khắp nơi, tuần tự theo các Văn kiện của Tông tòa: Tự sắc của Đức Giáo hoàng Phaolô VI “Sacram Liturgiam” (Phụng vụ Thánh) ngày 25/1/1964, Huấn dụ “Inter Oecumenici” (Giữa Công đồng) ngày 26/09/1964, huấn dụ thứ hai cho việc áp dụng đúng đắn Hiến chế Phụng vụ, “Tres abhinc annos” (Đã Ba Năm) ngày 4/5/1967, huấn dụ về Phụng tự mầu nhiệm Thánh Thể “Eucharisticum Mysterium” (Mầu Nhiệm Thánh Thể) ngày 25/05/1967 và Sắc lệnh tổng quát ban hành lễ nghi đồng tế và việc rước lễ dưới hai Hình ngày 7/3/1965. Sách lễ Rôma ban hành ngày 26/03/1970. Ngoài ra hợp theo tinh thần Công đồng, các Hội đồng Giám mục khác nhau trên thế giới đã công bố các sắc lệnh tiếp nối nhau về việc thi hành đúng đắn những quyết định của Công đồng.
Ngày 4/12/1988, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông thư nhân dịp kỉ niệm 25 năm Hiến chế Công đồng về Phụng vụ Thánh. Sau một phần tư thế kỉ, ngài lấy lại sự đánh giá tích cực của Thượng Hội Đồng Giám mục ngoại thường ngày 7/12/1985: “Canh tân phụng vụ là kết quả thấy được của toàn công trình công đồng”.
Các Tín hữu tham dự càng ngày càng đông, tham dự chủ động vào việc lắng nghe Lời Chúa, sinh khí mới của không biết bao nhiêu Cộng đoàn Kitô hữu nhờ nguồn suối Phụng vụ đã làm chứng điều đó. Đồng thời Đức Giáo hoàng cũng nhìn nhận việc áp dụng cuộc canh tân này gặp nhiều khó khăn đáng kể. Một số tín hữu cố thủ những hình thức Phụng vụ trước đây, họ nhìn nhận như là hình thức bảo đảm cho đức tin. Một số người khác lại tự do sáng chế những cách thức cử hành Phụng vụ theo ý riêng mình, loại bỏ hoặc thêm thắt bất hợp pháp, lẫn lộn giữa chức Linh mục thừa tác do Bí tích Truyền Chức Thánh với chức Linh Mục Cộng Đồng của các tín hữu có căn bản trong bí tích Rửa tội.
Bốn mươi năm sau khi ban bố Hiến chế Công đồng về Phụng vụ, Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, theo sự yêu cầu của ĐGH Gioan Phaolô II, đã công bố ngày 25/03/2004 Huấn dụ Redemptionis Sacramentum (Bí tích Ơn Cứu Chuộc) nhắc lại những qui luật phải giữ và những lạm dụng phải tránh trong việc cử hành mầu nhiệm Thánh thể, Bí tích ơn cứu chuộc. Tiếp theo, ĐGH Bênêdictô XVI, như chúng ta đang chứng kiến, không ngừng vận dụng các phương tiện cho công cuộc hòa giải với Huynh đoàn thánh Piô X của Giám mục Lefebvre, và vì mục đích này, ngài cũng đã cho phép sử dụng Phụng vụ thời trước Công đồng như “hình thức ngoại thường” của nghi lễ Rôma trong khi đó sách lễ Phaolô VI vẫn là hình thức “thường lệ “qua Tự sắc “Summorum Pontificum” (Các Thượng Tế) ngày 07/07/2007. Làm vậy, ngài muốn cống hiến cho mọi tín hữu cách Phụng vụ Rôma xưa vẫn được nhìn nhận như một kho tàng quí giá cần bảo tồn gìn giữ và bảo đảm thực sự cho những ai xin phép sử dụng hình thức ngoại thường đó để cổ võ sự hòa giải trong lòng Giáo Hội. Huấn dụ của Ủy Ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội của Thiên Chúa) ngày 30/4/2011 tựa đề Universae Ecclesiae (Giáo Hội Hoàn Cầu) sẽ xác định các hình thái áp dụng.
Tương lai của việc Canh Tân Phụng Vụ đòi hỏi một huấn luyện tăng cường, một đào tạo cần thiết về Thánh Kinh và Phụng vụ, một đào sâu đích thực về linh đạo và việc hội nhập văn hóa sâu xa trong các nền văn hóa khác nhau. Thánh Bộ Phụng Tự còn đưa ra những nguyên tắc trong Huấn dụ Varietates legitimae (Những Khác Biệt Hợp pháp) ngày 25/01/1984. Trong khi vẫn giữ mối hiệp nhất theo bản tính của nghi lễ Rôma, quá trình hội nhập văn hóa dưới thẩm quyền của Giáo Hội phô bày các đòi hỏi của đời sống mới do Chúa Kitô mang lại trong Ngôn ngữ, Thánh nhạc, Thánh ca, Cử điệu, Thái độ, Nghệ thuật và trong lòng đạo bình dân. Như thế Giáo Hội hội nhập Phúc Âm vào các nền văn hóa khác nhau và đồng thời Giáo Hội dẫn nhập các dân tộc với các nền văn hóa của họ vào trong Cộng đoàn của riêng mình.trong Cộng đoàn của riêng mình.
Lm. Phêrô Nguyễn Chí Thiết
(còn nữa)
0 comments :
Post a Comment