Trong một thông cáo Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn đã bầy tỏ niềm vui và khẳng định rằng: ”Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một cuộc viếng thăm toàn lục địa Á châu”. Tin này đặc biệt khiến cho các anh chị em nghèo khổ bần cùng trong các thành phố lớn vui sướng. Và Giáo Hội Nam Ham đã bắt tay vào việc chuẩn bị ngay cho chuyến viếng thăm lịch sử này.
Ngày 10-3-2014, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã chính thức loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Nam Hàn từ 14 đến 18 tháng 8 năm nay, và chủ sự Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ VI trong giáo phận Daejeon. Đức Thánh Cha cũng sẽ chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Nam Hàn.
Cộng hòa Nam Hàn thành hình năm 1948 sau khi Đại Hàn bị chia đôi thành hai miền Nam Bắc. Nam Hàn có khoảng 50 triệu dân sống trên diện tích rộng hơn 99.300 cây số vuông. Tín hữu Kitô được khoảng 13,7 triệu trong đó có 63% theo các Giáo Hội Tin Lành, và 37% thuộc Giáo Hội Công Giáo. Số còn lại theo Phật giáo, Khổng giáo hay các phong trào tôn giáo khác, nhưng có rất nhiều người không theo tôn giáo nào.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số phản ứng về tin vui Đức Thánh Cha Phanxicô công du Nam Hàn.

Trước hết là bài phỏng vấn cha Vincenzo Bordo, thừa sai thuộc dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, giám đốc một trong các trung tâm Caritas quan trọng nhất Nam Hàn. Hằng ngày trung tâm của cha tiếp đón 500 người vô gia cư.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, cha đã cảm thấy gì khi nghe tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ công du Nam Hàn?
Đáp: Chúng tôi đón nhận tin này với niềm hăng say và niềm vui lớn, nhất là tại nơi đây là nơi chúng tôi có một trung tâm cho những người ăn xin, người vô gia cư và sống lang thang trên các hè phố. Khi biết tin tất mọi người đều vui lắm.

Thật thế, khi Đức Thánh Cha mừng sinh nhật ngài đã mời ba người ăn xin và một con chó của họ dùng bữa trưa với ngài. Tôi đã phổ biến tin này cho tất cả các khách của chúng tôi. Khi nghe tin Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nam Hàn họ đã nói: ”Như thế thì Đức Thánh Cha cũng sẽ đến thăm chúng ta! Nếu ngài đã mời các người ăn mày đến nhà ngài, thì ngài cũng sế đến đây với chúng ta là 500-600 người cơ mà”. Vì thế, có sự chờ đợi rất lớn từ phía tất cả các anh chị em ăn xin, vô gia cư và bụi đời, mà cử chỉ của Đức Thánh Cha cho thấy sự tôn trọng và thừa nhận đối với những người sống trên đường phố.

Hỏi: Cha và các khách của cha chuẩn bị như thế thế nào cho chuyến viêng thăm này?
Đáp: Trước hết bằng cách làm cho người khác biết Đức Phanxicô là ai. Ở đây chúng tôi sống trong một mội trường không công giáo và không kitô, và dân chúng biết rất ít về Đức Thánh Cha và về Giáo Hội công giáo. Điều đầu tiên là làm cho người ta biết Đức Giáo Hoàng là ai, ngài làm gì và Giáo hội công giáo là gì. Vì thế sẽ có việc chuẩn bị giáo lý cho các người này, là việc loan báo đầu tiên, bởi vì họ không biết Chúa Giêsu cũng không biết Giáo Hội, và lại càng không biết Đức Giáo Hoàng là ai nữa. Do đó đây sẽ là một dịp rao giảng Tin Mừng.

Hỏi: Là người không quen với cảnh tồi tệ và bần cùng mà chúng ta gặp trên các con đường của các thành phố của chúng ta cha đã có tương quan thường ngày với những người rốt hết trong xã hội. Và cha cũng đã lấy sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô làm sứ điệp của cha ngay từ khi nảy sinh ra trung tâm Caritas này. Một thừa sai diễn tả lời kêu gọi của Đức Thánh Cha ”đi ra các vùng ngoại biên”, cha có các tâm tình nào?

Đáp: Tôi đã cảm thấy niềm vui rất lớn, khi nghe các lời này của Đức Thánh Cha, bởi vì tôi đã làm công tác mục vụ này từ 22 năm nay - đôi khi tôi cảm thấy bị chế nhạo, bị bỏ rơi và bị nguyền rủa nữa. Đức Thánh Cha là người thừa nhận công việc này, và nói rằng các người này là các anh chị em đau khổ. Các lời này của Đức Thánh Cha trao ban cho tôi biết bao can đảm và trao ban biết bao can đảm cho các người phải sống trên hè phố. Họ nói: ”Đức Thánh Cha là một người quan trọng như vậy mà ngài nhớ đến chúng ta sao?” Đây là các tình trạng đau khổ mà bình thường người ta không trông thấy hay không muốn trông thấy. Sự kiện Đức Thánh Cha nhận thức được và đề nghị mọi người chú ý tới các tình trạng ấy trao ban an ủi, hy vọng và niềm vui cho tất cả các bạn hữu của chúng tôi là những người sống trên vìa hè đường phố.

Hỏi: Thưa cha Vincenzo, từ năm 1989, là năm Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II viếng thăm Nam Hàn lần thứ hai cho tới nay, Nam Hàn đã thay đổi như thế nào?
Đáp: Giáo Hội đã thay đổi rất nhiều trong các năm này, xã hội đã thay đổi biết bao vì thế Giáo Hội cũng thay đổi nhiều. Tôi đến Nam Hàn hồi năm 1990 và số tín hữu đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật hồi đó là 80%. Khi đến nhà thờ người ta không chỉ thấy tín hữu lớn tuổi, nhưng thấy rất đông người trẻ. Hai mươi năm đã trôi qua, giờ đây số người tham dự thánh lễ Chúa Nhật được khoảng 25-30% và chỉ là người già. Như thế, vấn đề tục hóa rất là lớn. Cần phải tái truyền giảng Tin Mừng và có một hình ảnh mới về Giáo Hội. Phải có các kiểu mới cho một thực tại đã thay đổi, vâng đúng thế, và đây là điều rất cần thiết.

Sau đây là vài nhận xét của cha Timoteo Jung, giám đốc đền thánh ”Jeoldunsan” ”Đồi chặt đầu”, nơi nhiều vị tử đạo đã bị hành quyết. Xác các vị sau đó bị ném xuống sông. Trên đỉnh đồi tín hữu đã xây một nhà nguyện như chứng tá cái chết vì đức tin của các vị và sự hiện diện của Giáo Hội tại Đại Hàn. Đền thánh này đã trở thành đích điểm hành hương của tín hữu công giáo Nam Hàn. Hàng năm có nửa triệu tín hữu kính viếng đền thánh, đa số là tín hữu công giáo, nhưng cũng có các tín hữu tin lành, phật giáo và cả người vô thần nữa. Các tín hữu thường ở lại nghỉ ngơi vài giờ trong công viên cạnh đền thánh.

Hỏi: Thưa cha, toàn dân Nam Hàn đang nôn nóng chờ đợi chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sau 25 năm lại có một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng: điều này có nghĩa gì đối với tín hữu Nam Hàn?
Đáp: Chúng tôi tín hữu công giáo cũng như tất cả mọi người dân Nam Hàn đều cảm thấy Đức Thánh Cha Phanxicô rất yếu mến dân nước Đại Hàn. Chúng tôi cảm thấy rằng đó là một sứ điệp hòa bình và hòa giải.

Hỏi: Qúy vị sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha như thế nào, xét vì đền thánh ”Jeoldusan” là một trong các nơi cầu nguyện được viếng thăm nhiều nhất, đặc biệt trong Năm Đức Tin vừa qua?
Đáp: Chúng tôi sẽ tiếp đón Đức Thánh Cha trong cách thế tốt nhất, với con tim rộng mở. Chắc chắn là các tín hữu công giáo, nhưng mà toàn dân Đại Hàn nữa, tất cả chúng tôi đều muốn tiếp đón Đức Giáo Hoàng, không phải như là Thủ Lãnh của Giáo Hội công giáo, nhưng như là vị lãnh đạo của thế giới, vị lãnh đạo của toàn nhân loại. Giáo phận Daejeon đã tổ chức mọi sự, và cùng với Hội Đồng Giám Mục chúng tôi đang tiến hành các chuẩn bị và nghĩ tới Đức Thánh Cha Phanxicô như là một người đơn sơ, luôn luôn gần gũi dân nghèo.

Sau cùng là vài phản ứng của Linh Mục John Kim Jong-Su, giám đốc Giáo hoàng học viện Đại Hàn tại Roma. Học viện này được thành lập năm 1990 và được Đức Gioan Phasolô II khánh thành năm 2001. Học viện tiếp đón các linh mục và chủng sinh Nam Hàn tu học tại Roma.

Hỏi: Thưa cha Kim, cộng đoàn hoc viện Đại Hàn đã đón nhận tin Đức Thánh Cha công du Nam Hàn như thế nào?

Đáp: Chúng tôi tất cả đều hài lòng và sung sướng. Chuyến viếng thăm này sẽ là một bước tiến tới hòa bình giữa hai miền Nam Bắc Hàn vẫn còn đang sống trong tình trang căng thẳng với nhau. Vì thế mọi người dân Đại Hàn: không phải chỉ có tín hữu công giáo thôi mà cả những người không tin đều tiếp đón Đức Thánh Cha.

Hỏi: Cha có thể trình bày ngắn gọn về Giáo Hội Đại Hàn hay không?
Đáp: Giáo Hội Đại Hàn có một lịch sử đôc nhất vô nhị. Đạo Công Giáo tại Đại Hàn đã đo các người không tin, không phải là công giáo đưa vào. Có một nhóm nhà thông thái Đại Hàn đã học đạo Công Giáo như là một triết lý, một khoa học tây phương. Sau khi học thì họ đã tìm ra một điều khác là đức tin. Rồi một người trong bọn họ đã được rửa tội tại Bắc Kinh bên Trung Hoa. Sau đó ông trở về Đại Hàn, và đã rửa tội cho một người bạn khác. Và đạo Công Giáo tại Đại Hàn bắt đầu từ đó. Đây là lịch sử duy nhất trên thế giới. Tại Đại Hàn đạo Công giáo là tôn giáo duy nhất đang lớn lên. Trong nước có biết bao nhiêu tôn giáo khác: phổ biến nhất là Phật giáo, rồi tới Khổng giáo, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, Giáo Hội Tin Lành có 8 triệu tín hữu và Giáo Hội Công Giáo có 5 triệu. Nhưng Giáo Hội công giáo có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Đại Hàn. Giáo Hội Đại Hàn đã nhận sự trợ giúp từ người khác, nhưng giờ đây Giáo Hội đang trợ giúp các Giáo Hội khác bằng cách gửi các thừa sai về hướng Đông, sang Phi châu và Âu châu.

Hỏi: Tình hình giữa hai miền Nam Bắc Hàn hiện nay ra sao thưa cha? Giáo Hội đã dấn thân như thế nào trong lãnh vực này?

Đáp: Tình hình tại Đại Hàn rất bình an, nhưng có căng thẳng. Có hòa bình nhưng có căng thẳng. Giáo Hội Đại Hàn quyết định dấn thân trong việc tái hiệp nhất Nam Bắc Hàn, nhưng cuộc đối thoại giữa hai chính quyền gặp khó khăn. Giáo Hội phải tìm một bước khác, một con đường khác, bằng cách trợ giúp kinh tế, trợ giúp nhân đạo. Giáo Hội phải tiếp tục trợ giúp Bắc Hàn. Con đường này trong tương lai có thể mở ra cho việc hiệp nhất hai miền Nam Bắc Hàn.

(RG 11.23-3-2014) 


Linh Tiến Khải

(Nguồn: R. Vatican)

0 comments :

 
Top