Giáo hoàng Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin 23/3/2014 - Chúa Nhật III Mùa Chay:

Hết mọi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đều thay đổi đời sống của chúng ta

Xin chào anh chị em thân mến!

 
http://www.thanhlinh.net
Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaritanô ở Sychar gần một cái giếng cổ, nơi người nữ này đã đến kín nước. Chúa Giêsu được mô tả là "mệt mỏi bởi cuộc hành trình" (Gioan 4:6) ngồi nghỉ ở giếng nước này hôm ấy.
Người nói ngay rằng: "Cho tôi uống với" (4:7). Như thế là Người thắng vượt các thứ rào cản của hận thù đã từng xẩy ra giữa người do Thái và người Samaritanô cũng như cái tâm thức thành kiến đối với nữ giới.
Lời yêu cầu giản dị của Chúa Giêsu mở đầu cho một cuộc đối thoại thẳng thắn, nhờ đó, một cách thật tế nhị,
Người tiến vào thế giới nội tâm của một con người mà theo tiêu chuẩn xã hội Người thậm chí không được nói năng gì.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã làm thế! Chúa Giêsu không sợ.
Khi nhìn thấy một con người là Chúa Giêsu tiến tới bởi Người yêu thương. Người yêu thương tất cả chúng ta. Vấn đề thành kiến không cản trở việc Người giao tiếp với một con người.
Chúa Giêsu đặt con người trước hoàn cảnh của họ, không phán đoán họ mà làm cho họ cảm thấy được cảm nhận, được nhìn nhận và nhờ đó khơi lên trong họ ước muốn vươn ra ngoài cái thông lệ hằng ngày của họ.

Cái khát của Chúa Giêsu không phải là nước cho bằng gặp gỡ một linh hồn cằn cỗi. Chúa Giêsu cần gặp gỡ người nữ samaritanô này để mở lòng chị ta ra.
Người xin chị cho uống nước để làm lộ ra cái khát ở trong lòng của chị. Người nữ này bị cảm kích trước cuộc hội ngộ ấy: chị hỏi Chúa Giêsu những câu hỏi sâu xa mà tất cả chúng ta đều có nhưng chúng ta thường chẳng để ý gì.
 Cả chúng ta nữa cũng có nhiều vấn nạn để hỏi, thế nhưng chúng ta không thể can đảm để hỏi Chúa Giêsu!
Anh chị em thân mến, Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để nhìn vào trong bản thân mình, để khơi lên những nhu cầu thiêng liêng chân thực nhất của chúng ta, và để xin ơn Chúa giúp đỡ trong nguyện cầu.
Gương của người phụ nữ Samaritanô mời gọi chúng ta hãy bày tỏ mình như thế này:
"Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con thứ nước muôn đời làm giãn cơn khát của con".
Phúc Âm nói với chúng ta rằng các môn đệ lấy làm ngỡ ngàng khi thấy Thày của mình nói chuyện với người nữ ấy.
Thế nhưng, Chúa cao cả hơn các thứ thành kiến; đó là lý do Người không sợ giao tiếp với người phụ nữ Samaritanô này.
Tình thương là những gì cao cả hơn là thành kiến. Chúng ta cần phải biết rõ như thế!
Tình thương cao cả hơn là thành kiến, và Chúa Giêsu là Đấng rất xót thương, rất xót thương!
Thành quả của cuộc gặp gỡ này đó là người phụ nữ ấy được biến đổi:
"Chị ta để vò nước lại" (4:28) mà chạy vào thành nói với dân chúng về cảm nghiệm phi thường của mình.
"Tôi đã gặp một người nói với tôi hết mọi sự tôi đã làm. Chẳng lẽ Người chẳng phải là Đấng Thiên Sai hay sao?"
Chị trở nên nhiệt liệt. Chị đã đi ra để kín nước ở giếng và đã thấy được thứ nước khác, thứ nước hằng sống của tình thương vọt lên sự sống đời đời.
Chị đã thấy được thứ nước mà chị đã luôn tìm kiếm!
Chị chạy về làng - một khu làng đã từng soi mói chị, lên án chị và loại trừ chị - mà loan báo rằng chị đã gặp được Đấng Thiên Sai:
 một người đã biến đổi đời sống của chị.
Vì hết mọi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đều thay đổi cuộc sống của chúng ta, bao giờ cũng thế.
Nó là một bước tiến tới, một bước tiến đến gần hơn với Thiên Chúa.
Thế nên hết mọi cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu đều thay đổi đời sốngcủa chúng ta.
 Bao giờ cũng thế, bao giờ cũng như thế.
Trong bài Phúc Âm này, cả chúng ta cũng được hứng khởi để "bỏ lại cái vò nước lại", một tiêu biểu cho tất cả những gì bề ngoài có vẻ quan trọng nhưng lại chẳng còn giá trị trước "tình yêu của Thiên Chúa".
Tất cả chúng ta đều có một, hay hơn một cái vò!
Tôi hỏi anh chị em và chính tôi rằng:
"Cái vò nước nội tâm của anh chị em là gì,
cái khiến anh chị em nặng gánh,
cái gì khiến anh chị em xa cách Thiên Chúa?"
Chúng ta hãy loại trừ nó đi mà lắng nghe tiếng của Chúa Giêsu bằng tấm lòng của mình.
Người cống hiến cho chúng ta một thứ nước khác, một thứ nước mang chúng ta đến gần với Chúa hơn.
Chúng ta được kêu gọi để tái nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa đời sống Kitô hữu của chúng ta, khởi đi từ Phép Rửa, và như người phụ nữ Samaritanô, làm chứng cho anh chị em của chúng ta.
Làm chứng về cái gì?
Về niềm vui!
Hãy chứng tỏ niềm vui được hội ngộ với Chúa Giêsu,
vì tôi đã nói rằng hết mọi cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đều thay đổi đời sống của chúng ta,
và hết mọi cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu đều làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui,
 một niềm vui xuất phát từ bên trong.
Và Chúa là thế đó. Hãy nói về biết bao điều kỳ diệu Chúa biết cách thực hiện trong lòng của chúng ta
khi chúng ta can đảm bỏ vò nước của chúng ta lại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL


0 comments :

 
Top