Trong những ngày vừa qua, bầu không khí ở Vatican đang trở nên sôi động vì dòng người kéo đến cũng như vì không khí chuẩn bị cho ngày lễ phong thánh cho hai vị Giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Phòng Báo chí Toà Thánh cũng đã mở các cuộc họp báo để giới thiệu một vài sự kiện quan trọng sẽ diễn ra trước và vào ngày lễ trọng đại này.
Vào thứ bảy 26-4, đêm trước ngày lễ chính, từ lúc 21 giờ, sẽ có một đêm canh thức cầu nguyện và các nhà thờ ở trung tâm Rôma đều mở cửa để các tín hữu có thể vào cầu nguyện và xưng tội, nghe những bài đọc sách thánh hay thủ bút của hai vị Giáo hoàng. Có 11 nhà thờ dự tính sẽ tổ chức sinh hoạt mục vụ với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Hiện diện trong buổi họp báo, Cha Lombardi, Phát ngôn viên Toà Thánh và cũng là Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Vatican, chia sẻ một vài chi tiết đáng ghi nhớ rằng ngày phong thánh là ngày lễ Lòng Thương Xót của Chúa. Đây cũng là ngày phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô II (1-5-2011). Thánh lễ phong thánh này sẽ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô lúc 10 giờ sáng. Sẽ có khoảng 1.000 vị đồng tế, trong đó có nhiều hồng y và giám mục. Ít nhất có 700 linh mục phụ trách việc trao Mình Thánh Chúa ngay tại khuôn viên Quảng trường Thánh Phêrô và hàng trăm thầy phó tế khác trao Mình Thánh Chúa tại Đại lộ Hoà Giải kế đó cho giáo dân tham dự Thánh lễ.
Để giúp các tín hữu có thể tham dự Thánh lễ Phong Thánh, tại khu vực Fori Imperiali gần Hý trường Colosseo, Quảng trường Nhân Dân và Quảng trường Đền thờ Đức Bà Cả sẽ bố trí các màn hình khổng lồ. Quảng trường Thánh Phêrô có thể tiếp nhận khoảng 100.000 người và một con số tương tự tại Quảng trường Piô XII cũng như Đại lộ Hoà Giải gần đó. Theo chính quyền thành Rôma, có khoảng 300.000 tín hữu đến từ Ba Lan, đông đảo các tín hữu từ tỉnh Bergamo, bắc Ý, quê hương của ĐGH Gioan XXIII. Tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 5.000 chỗ dành cho các tín hữu Ba Lan và 5.000 chỗ dành cho các tín hữu đến từ quê hương của ĐGH Gioan XXIII. Để việc truyền thông có thể diễn ra cách tốt đẹp, sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận Opimpic mùa đông ở Sochi truyền hình trực tiếp lễ phong thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật 4K. Người ta có thể theo dõi sự kiện qua kênh youtube và facebook.
Các bức hình thêu hai vị Giáo hoàng sẽ là những bức đã được trưng bày trong dịp phong chân phước của các ngài. Đồ đựng thánh tích của Đức Gioan Phaolô II cũng là đồ đã dùng trong lễ trong chân phước, còn đồ đựng thánh tích của Đức Gioan XXIII sẽ được làm tương tự, vì khi ngài được phong chân phước, mộ của ngài vẫn chưa được cải táng. Trong thánh lễ, hai người được nhận phép lạ do sự chuyển cầu của Đức Gioan Phaolô II đều có mặt. Đức Gioan XXIII thì được miễn chuẩn phép lạ vì theo Đức đương kim Giáo hoàng Phanxicô, Công đồng Chung Vatican II mà Đức Gioan XXIII triệu tập đã là một phép lạ rồi. Sau thánh lễ, các tín hữu hành hương sẽ được đi vào viếng mộ hai vị tân hiển thánh trong Đền thờ Thánh Phêrô. Trong những ngày này, nhân viên Toà Thánh đang sửa chữ “chân phước” thành chữ “thánh” trên mộ của hai vị.
Cho đến nay, một nguồn tin từ chính quyền Rôma cho biết là sẽ có khoảng 5 - 7 triệu người. Tuy nhiên, theo Cha Lombardi, con số này có thể là hơi quá, vì toàn bộ số dân tại Rôma cũng chỉ có khoảng 3.700.000 người. Vấn đề con số các tín hữu hành hương đến Vatican để dự lễ phong thánh vẫn còn là một vấn đề bỏ ngõ, và không ai có thể biết được con số chính xác là bao nhiêu. Người ta chỉ có thể dự đoán được là hầu như các con đường lớn dẫn đến Vatican đều sẽ chật kín người. Theo báo Cộng Hoà, trích thuật nguồn tin từ chính quyền thành Rôma, 85% khách sạn và nhà trọ ở Rôma và cả những khu vực chung quanh Rôma, đã được đăng ký chỗ trong thời gian trước và sau lễ phong thánh cho hai vị Giáo hoàng.
Khi được hỏi về sự hiện diện của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI trong Thánh lễ, Cha Lombardi trả lời rằng đây là điều mà mọi người mong đợi. Toà Thánh đã gửi lời mời nhưng ngài chưa trả lời. Chắc phải đợi đến lúc cận ngày, rồi tuỳ thuộc vào việc ngài có muốn tham dự, và sức khoẻ của ngài có cho phép ngài hay không vì chắc chắn đây là một thánh lễ kéo dài với nhiều nghi thức phức tạp.
Thứ hai ngày 28-4, cũng tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Hồng y Angelo Comastri sẽ chủ sự Thánh lễ Tạ ơn. Giới truyền thông sẽ có hai trung tâm làm việc: ở ngay trước Quảng trường Thánh Phêrô và tại cuối Đại lộ Hoà Giải. Từ hai nơi này, các chuyên viên có thể quay lấy cảnh từ trên không. Từ bây giờ, đã có hàng trăm phái viên đăng ký tại Phòng Báo chí Toà Thánh để được giúp đỡ theo dõi diễn tiến. Phòng Báo chí Toà Thánh đang lập chương trình một loạt các buổi sinh hoạt với các vị thỉnh nguyện viên án phong thánh, các sử gia về giáo hoàng, các chuyên gia về Công đồng Vatican II, các chứng nhân phép lạ… để giúp các chuyên viên truyền thông đi sâu vào vấn đề hơn.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
(Nguồn: R. Vatican)
0 comments :
Post a Comment