Vào Google gõ mục “Người chết hồi sinh”, ta sẽ thấy có đến hơn 128 ngàn kết quả hiển thị. Rất nhiều những câu chuyện về người chết hồi sinh, người chết sống lại. Đọc cả tháng cũng chưa hết. Rõ ràng việc người chết hồi sinh, hay người chết đi sống lại xưa nay trong thiên hạ chẳng có gì là hiếm. Có người chết lâm sàng, tức chết trên giường bệnh, rồi hồi sinh. Có người chết được đưa vào nhà xác rồi sống lại. Thậm chí có người chết bỏ vào trong hòm rồi, được mấy tiếng sau thì bật dậy gọi: ba ơi, má ơi, cứu con, v,v…
Vậy thì việc Chúa Giêsu sống lại có gì khác lạ, có gì đặc biệt mà cả thế giới Kitô giáo với gần 3 tỉ tín đồ phải mừng một cách long trọng và hân hoan, với bậc lễ trọng nhất trong năm như thế? Thưa sự Phục Sinh hay sống lại của Chúa Giêsu có rất nhiều khác biệt, khác biệt rất lớn.
- Khác biệt lớn thứ nhất: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu đã được loan báo trước.
Những người may mắn được hồi sinh hay sống lại, có ai đã loan báo trước đó không? Có ai trước khi chết nói với mọi người rằng tao chết 2 ngày, hay 3 ngày sau tao sẽ sống lại, đừng buồn sầu đừng khóc lóc, đừng mua quan tài làm chi cho tốn kém không? Hoàn toàn không. Sự phục sinh hay hồi sinh của họ hoàn toàn không được báo trước, và cũng không có một dấu chỉ nào để báo trước. Giả như có đi nữa thì chỉ là đánh lừa.
Phần Chúa Giêsu thì khác. Chính Ngài đã liên kết về sự Phục sinh với bản thân Ngài khi Ngài nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Ngay trong thời gian rao giảng Tin Mừng, Ngài đã cho chúng ta một dấu chỉ và một bảo chứng bằng cách phục sinh một số người đã chết, để tiên báo chính Ngài sẽ sống lại. Ngài nói về biến cố này như là “dấu chỉ Giona” và “dấu chỉ Đền Thờ”…. Các môn đệ cũng đã được Ngài loan báo cho biết Ngài sẽ lên Giêrusalem chịu khổ hình, chịu chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Ngài loan báo không chỉ một lần mà đến ba lần, loan báo một cách trang trọng, nghiêm túc.
- Khác biệt lớn thứ hai: Chúa Giêsu phục sinh rồi sẽ không bao giờ chết nữa.
Trước hết, sự sống lại của Đức Kitô không có nghĩa là Ngài trở lại với đời sống trần thế như trường hợp của những kẻ may mắn được hồi sinh, hay của những kẻ được Chúa Giêsu cho sống lại trước cuộc Vượt Qua. Chẳng hạn như con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô, hay Lazarô. Dẫu đây đã là một điều quá kỳ diệu đối với con người, song sự sống lại của họ cũng chỉ là sự hồi sinh thân xác. Có ai khi sống lại rồi, khi hồi sinh rồi thì sống mãi thiên thu không? Không. Con trai bà goá thành Naim, con gái ông Giairô, hay Lazarô, có ai còn sống không? Không. Họ chỉ sống được một khoảng thời gian nào đó rồi cũng phải chết. Chết từ đời tám đế nào rồi ấy!
Trái lại, sự Phục sinh của Đức Giêsu hoàn toàn khác hẳn. Thánh Phaolô đã diễn tả sự sống siêu việt ấy như sau: “Chúng ta biết rằng: Một khi Đức Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, thì không bao giờ chết nữa. Cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người” (Rm 6,9). Thân xác của Ngài đã được biến đổi hoàn toàn, trở nên một tạo thành mới vượt lên trên thời gian và không gian. Con người của Chúa Giêsu đã hợp nhất trọn vẹn với Ngôi Lời Thiên Chúa vinh quang rạng ngời (x. Pl 3, 21; 1Cr 15, 44). Tuy nhiên, Ngài không phải là hồn ma như vua Saolê đã thấy (1Sm 28, 8). Ngài đã sống lại trong chính thân xác bị thương tích của cuộc khổ nạn, với trọn vẹn nhân tính của mình; dĩ nhiên là nhân tính đã được thần hoá, được biến đổi - nhân tính phục sinh.
- Khác biệt lớn thứ ba: sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có ảnh hưởng đối với tất cả những ai tin vào Ngài.
Trong khi sự hồi sinh của những người may mắn được sống lại không có ảnh hưởng gì đối với người khác cả, hoàn toàn không, thì sự phục sinh của Chúa Giêsu có ảnh hưởng lớn lao trên toàn bộ định mệnh không phải của một hay hai người nào đó, mà là của toàn thể nhân loại. Đây là một khác biệt vô cùng lớn. Nói cụ thể hơn, sự Phục Sinh của Chúa Giêsu có sức mang lại ơn ơn cứu độ đời đời cho tất cả mọi người. Người đã phá tung mồ đá và xuống nơi trú ngụ của các vong linh, tức là Âm phủ hay ngục Tổ tông, để hoàn tất việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho những kẻ đã chết.
Như thế sự kiện Đức Kitô Phục Sinh mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho toàn thể nhân loại chúng ta. Trước hết, Người đã đánh bại thần chết đúng như lời Kinh Thánh đã nói: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” Sau nữa, việc Đức Kitô sống lại, cũng xác nhận Người là Thiên Chúa, và ai thuộc về Đức Kitô là tham dự vào sự sống mới, tức là sự sống thần linh của Người.
Vậy qua Thánh Lễ hôm nay, Giáo Hội muốn cùng với mỗi người chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đó là niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta. Chúa đã sống lại, Allêluia. Giáo Hội trong niềm vui phục sinh, ngày ngày vẫn muốn lặp lại điệp khúc Allêluia để ca ngợi, thần phục quyền năng vinh hiển của Chúa. Xin cho niềm tin phục sinh của Chúa trở nên động lực thúc đẩy mỗi người chúng ta biết dấn thân, sẵn sàng ra đi để làm chứng cho tình yêu hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, như Mađalêna, như Phêrô, như Gioan, như các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai.
Các thánh Tông Đồ cũng đã rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới. Là những người ở trong Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi sống làm sao để loan truyền niềm vui phục sinh cho những người chưa biết Chúa. Không ở đâu xa mà là anh em, bà con láng giềng, và bạn bè ở quanh ta.
Niềm vui Phục Sinh phải được thể hiện qua từng ánh mắt nụ cười, trong từng cử chỉ yêu thương của chúng ta. Niềm vui Phục Sinh được thể hiện qua lời rao giảng như Phêrô can đảm, mạnh dạn nói và làm chứng tại gia đình ông Cornêliô. Nghĩa là giúp người khác khôi phục niềm tin yêu vào Chúa. Niềm vui Phục Sinh được thể hiện qua đời sống mới như lời thánh Phaolô đã dạy: “Anh em đã được sống lại với Đức Kitô”, nghĩa là không còn sống theo những xu hướng của con người cũ: ích kỷ, tham lam, gian dối nữa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống lại và ban sự sống ấy cho chúng con. Ước gì mỗi chúng con luôn sống xứng đáng với tình yêu của Chúa và mỗi ngày sống của con đều là ngày Chúa phục sinh trong niềm vui hân hoan và tin yêu phục vụ. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
0 comments :
Post a Comment