Hành trình Thương khó của Chúa Giêsu


Riêng Đức Tân GH Phanxicô, mọi người vẫn thấy nơi ngài một cung cách đơn sơ giản dị như xưa. Ngài bận phẩm phục thậm chí còn kém lộng lẫy hơn mũ và áo lễ của một số vị đại diện của các Giáo Hội Kitô giáo khác. Ngài vẫn đi đôi giầy đen, chứ không phải giầy đỏ vốn được dành riêng cho giáo hoàng, và đi trên một chiếc xe Jeep bình thường mui trần, chứ không phải là chiếc xe chuyên dụng có kính chống đạn.


Nhiều người vẫn còn nhớ dịp Mùa Chay năm ngoái, ngày 19.03.2013, tại quảng trường Thánh Phêrô, đã diễn ra Thánh Lễ khởi đầu sứ vụ Phêrô của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô. Dòng người nô nức và hào hứng đổ về chật cứng quảng trường Thánh Phêrô. Người ta ước tính có đến gần cả triệu người. Trong đó có rất đông đại diện các Giáo Hội khác trong Kitô giáo, đại diện của các tôn giáo khác, các nguyên thủ (vua, tổng thống, thủ tướng…) đến từ một số quốc gia trên thế giới, cũng như các ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh.
Cảnh tượng này làm cho người ta liên tưởng đến cảnh tượng Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem cách đây hai ngàn năm. Cũng đông đảo dân chúng đứng chật cứng con đường dẫn vào thành thánh Giêrusalem và sân Đền Thờ. Cũng những lời tung hô, chúc tụng: “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Chỉ khác là thay vì cầm cờ và các tấm băng rôn, thì chỉ có lá cây và cành cây.

Tuy nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu Đấng Thiên Sai lại còn khiêm tốn và giản dị hơn cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài không mặc áo hoàng bào, không có lọng che, không có xe ngựa; thay vào đó, Ngài chỉ cưỡi trên lưng lừa, lại là một chú lừa con còn đang theo mẹ. Rất khiêm cung và rất hiền hoà!

Cung cách ấy cũng nói lên cho dân chúng thấy phương thức mà Ngài sẽ dùng để giải phóng dân chúng: không phải là bạo lực, mà là tình thương; không phải là vinh quang quyền uy của ngai vàng lộng lẫy, nhưng là uy quyền của thập giá trần trụi, và với chủ đích không phải giải phóng con người khỏi vòng nô lệ của ngoại bang, mà là nô lệ của tội lỗi và sự chết.

Hiểu việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành thánh như thế sẽ giúp chúng ta thêm xác tín và hiệp thông sâu xa ngày một hơn vào con đường thương khó tử nạn mà Chúa Giêsu đã đi qua, để đến lượt chúng ta cũng biết noi gương người mà tiến bước. Tiến bước trong niềm tin, trong khiêm cung, trong hiền hoà để chúng ta cũng được thông phần vào vinh quang phục sinh với Ngài.

Có điều việc hiệp thông với cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là điều dễ, vì nó đòi ta phải hy sinh nhiều nhiều.

Ta vẫn thường gọi hành trình cứu độ của Chúa là hành trình “thương khó”, chứ không phải “thương dễ”. Quả vậy, thương theo kiểu của Chúa Giêsu là khó thật. Vì như trình thuật Tin Mừng cho ta thấy, để yêu thương con người, Chúa Giêsu phải chấp nhận mặc lấy thân phận con người, sinh ra trong hang đá bò lửa, sống ẩn thân nơi một làng quê nghèo khó. Để tiếp tục yêu thương con người, và yêu thương cho đến cùng, Chúa Giêsu phải chấp nhận sự phản bội, chối từ của các môn đệ thân tín, bị các giới chức đạo đời ghen ghét và loại trừ, bị nhiều người chế nhạo (trong số đó, có cả những kẻ mà mình đã thi ân giáng phúc), bị lý hình đánh đập hành hạ bằng những đòn roi tàn bạo, bị những vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu, bị cái đói cái khát dày vò, nhất là bị đóng đinh trần trụi, đớn đau, nhục nhã trên cây thập giá như một tên tử tội, v.v...

Cuối cuộc hành trình thương đau ấy Chúa Giêsu đã trao hiến tất cả: y phục, Ngài trao cho lý hình; uy quền trần thế, Ngài trao cho Hêrôđê; thân mẫu, Ngài trao cho một người môn đệ; ngay cả sự sống, Ngài trao cũng lại cho Thiên Chúa Cha, tất cả chỉ vì yêu thương nhân loại chúng ta. 
Xin cho mỗi người chúng ta biết năng suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhất là biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để cảm nghiệm ngày một sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, đồng thời biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn liên lỉ, vì qua cái chết nhục nhã của Chúa trên Thập giá, chúng ta được thứ tha tội lỗi, được giao hoà với Thiên Chúa là Cha và được thông ban ơn cứu độ đời đời, nhất là biết đáp trả tình yêu của Chúa bằng việc mỗi ngày mỗi yêu mến Chúa nhiều hơn và yêu thương anh em nhiều hơn. Amen. 


Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

0 comments :

 
Top