Tiến trình trở thành môn đệ Đức Giê-su.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (1, 35-39) tường thuật: Khi ấy, ông Gio-an Tẩy giả đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy (gặp) Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói, “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ (một trong hai môn đệ này là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô) nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi, “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp, “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” Người bảo họ, “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.
Thánh sử Gioan còn kể lại rằng (Ga 1, 41-42), sau đó ông An-rê tìm gặp em mình và nói, “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su, Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói, “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).
Và họ đã trở thành những môn đệ nhiệt thành của Đức Giê-su.
Đọc đoạn Tin Mừng trên đây, mỗi chúng ta dễ nhận ra ở thời điểm Chúa Giê-su, tiến trình để trở thành môn đệ của Ngài là Gặp (Biết) Chúa → Đi theo Chúa → Ở lại với Chúa → Dẫn người khác (Loan báo Tin Mừng) đến với Chúa Giê-su.
Nhìn lại lịch sử Giáo hội từ sơ khai đến ngày nay, rõ ràng: Những ai đã trở thành môn đệ thực thụ, tông đồ nhiệt huyết của Chúa Giê-su đều phải trãi qua tiến trình nói trên.
Có còn hợp lý không ?
Ngày nay, khi mà “Trong xã hội bị ảnh hưởng mạnh của thế tục hoá, những gì là thiêng thánh không còn được tin cách dễ dàng. Sự sa sút niềm tin vào Thiên Chúa và các mầu nhiệm ngày càng nặng nề, … những gì thuộc trần tục, có thể đụng chạm, nhìn thấy được lại càng được coi trọng, …” (Giáo Lý Năm Đức Tin, Tổng Giáo phận Huế, 2012, tr 76) thì liệu rằng tiến trình “Gặp Chúa → Đi theo Chúa → Ở lại với Chúa” có còn phù hợp để mỗi chúng ta trở nên môn đệ nhiệt thành “Dẫn người khác” đến với Chúa Giê-su (loan báo Tin Mừng) không ?
Trở nên môn đệ Chúa Giê-su trong thời đại ngày nay
Thấu hiểu hoàn cảnh sống của mỗi chúng ta ngày nay, với tình thương và trách nhiệm của người Cha - Chủ chăn Giáo hội, khi ban hành Tự Sắc “Porta Fidei” (PF - Cánh cửa đức tin), ngày 11.10.2011, tại Rôma, Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI nhấn mạnh, Năm Đức Tin là cơ hội giúp chúng ta “tái khám phá ra hành trình đức tin để càng ngày càng làm sáng tỏ niềm vui và lòng nhiệt thành được đổi mới nhờ gặp gỡ Chúa Kitô” (PF số 2) và “… tìm lại sự nhiệt tâm cho việc thông truyền đức tin” (PF số 7).
Cũng vậy,
Gặp, biết Đức Giê-su:
Thánh Kinh “ … là Lời Thiên Chúa nói, được ghi chép lại dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 81), và “Toàn bộ Thánh Kinh là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất ấy chính là Chúa Kitô, bởi vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Chúa Kitô và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn tất trong Chúa Kitô” (số 134). Vì thế, qua Tự Sắc “Porta Fidei”, số 3, Đức Thánh Cha khuyến khích người Ki-tô hữu ngày nay “Nghe - Học” Thánh Kinh vì đó là một phương thế gặp gỡ Chúa Kitô.
Thánh Giê-rô-ni-mô cũng đã từng dạy: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Giê-su”, và Giáo hội cũng dạy rằng “Chính Chúa Giê-su hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh thánh trong Giáo hội”(Tông huấn Lời Chúa, số 52).
Theo Đức Giê-su:
Nhờ việc nghe - học Thánh kinh (Gặp, Biết Chúa Giê-su), mà người Ki-tô hữu thêm lòng tôn kính, yêu mến để sẵn sàng từ bỏ mọi sự theo Ngài. (Lc 9, 23; Mt 16, 24; Mc 8, 34).
Ở lại với Đức Giê-su:
Đức Thánh Cha còn mời gọi mọi tín hữu siêng năng tham dự việc cử hành bí tích (PF số 3). Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Chúa Giêsu Kitô thiết lập cho con người và vì lợi ích cứu độ con người, là phương thế dẫn đưa con người đi vào tương quan hiệp thông với Thiên Chúa, … và ủy thác cho Hội Thánh cử hành, nhằm diễn tả và thông ban sự sống thần linh cho người Kitô hữu … (Hiến chế Sacrosanctum Concilium - Hiến chế về Phụng vụ thánh, số 59).
Trong các cử hành bí tích, cử hành Thánh Thể giữ vị trí trung tâm, vì Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (Hiến chế Lumen Gentium - Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số 11).
Thật vậy, phép Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh: đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh và Bánh Hằng Sống của chúng ta. Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã trở nên sống động nhờ Thánh Thần và ban sự sống cho con người (Giáo Lý Năm Đức Tin, Tổng Giáo phận Huế, 2012, tr 65).
Việc tham dự cử hành phụng vụ các bí tích, nhất là cử hành Thánh Thể và đón rước Thánh Thể không chỉ là cách mỗi người gặp biết Chúa mà còn giúp mỗi chúng ta trở nên đồng huyết nhục với Chúa Giê-su, được ở (lại) mãi trong Chúa Giê-su, được thông phần sứ vụ loan báo tin mừng với Ngài.
Dẫn người khác (Loan báo Tin Mừng) đến với Chúa Giê-su.
Theo Tin Mừng, lúc khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng, “Chúa Giê-su lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3, 13-14; 6, 7-13; Mt 10, 1-5; Lc 9, 1-2).
Và hôm nay, trong Tự sắc “Porta Fidei” - Cánh cửa đức tin, Đức Thánh Cha tỏ rõ lòng mong muốn của Ngài nơi giáo hội “Chúa Giêsu Kitô yêu thương, lôi kéo con người thuộc mọi thế hệ đến với Ngài: trong mọi thời đại, Ngài triệu tập Giáo Hội, ủy thác cho Giáo Hội việc loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế, ngày nay cũng cần có một sự dấn thân xác tín hơn nữa của Giáo Hội, thực hiện công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng để tái khám phá niềm vui đức tin và tìm lại sự hăng say thông truyền đức tin”, và nơi mỗi người tín hữu, “Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn là điều không thể thiếu, …” (PF số 7).
Tooma Hoàng Kim Khánh
0 comments :
Post a Comment