Ledau1Anh chị em rất thân mến,
Cũng như mỗi năm, năm nay gia đình giáo phận chúng ta qui tụ về Nhà thờ Chính tòa để kỷ niệm sự kiện Đức Kitô chia sẻ chức vụ tư tế cho các Tông đồ, rồi ngang qua các vị cho tất cả các giám mục và linh mục. Đây là cơ hội hồng phúc để cùng nhau suy niệm về chương trình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như sứ vụ chứng nhân tình yêu của chúng ta giữa xã hội nhiễu nhương này.
Trong bài đọc thứ I, tác giả của sách Isaia phần thứ III trình bày hình ảnh tuyệt vời về ơn gọi ngôn sứ và lý do hiện hữu của người được xức dầu. Chúng ta biết rằng, vào thời điểm đó, nhiều người Do Thái lưu đày đã bắt đầu trở về để tái thiết quê hương. Tuy nhiên, khi đoàn lưu đày trở về cố hương, họ không nhìn thấy hình ảnh đẹp của một quê hương tuyệt vời, quê hương vĩnh cửu, mà sách Isaia phần II đã loan báo. Trái lại, họ phải đối diện với muôn ngàn khó khăn của một cộng đoàn nghèo khổ phải gồng mình lên để tái thiết quê hương hoang tàn đổ nát và nhất là để có thể sinh tồn trên chính mảnh đất tổ đang bị các nhóm người khác chiếm chỗ. Ngỏ lời với những người hồi hương âu lo, nhọc nhằn, hoang mang, nản chí ấy, ngôn sứ động viên họ: 
Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi
vì Ngài đã xức dầu tấn phong tôi
sai đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ
băng bó những tấm lòng tan nát,
công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm
ngày phóng thích cho các tù nhân,
công bố năm hồng ân của Đức Chúa (Is 61,1-2).
Sau này, trong chuyến về thăm quê hương Nazareth, khi vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabat, Đức Giêsu đã long trọng đọc lại bản văn trên của ngôn sứ Isaia. Đọc xong, Người ngồi xuống và dõng dạc tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Thật vậy, sứ điệp mà ngôn sứ loan báo đã trở thành chương trình hành động của Đức Kitô. Chính Ngài là Đấng được xức dầu và tấn phong để đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân, cách riêng cho  những người nghèo khổ, bị cầm tù, bị áp bức, bị bỏ rơi… Người đến để khai mở thời đại mới, trong đó con người được giao hòa với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại. Trong suốt ba năm truyền đạo, Ngài luôn nhắc đi nhắc lại là Ngài được xức dầu không phải để được ăn trên, ngồi trốc, được thiên hạ cung phụng, mà trái lại để hiến thân phục vụ mọi người, đặc biệt những người nghèo hèn, bệnh tật, cô thân cô thế, bị tù tội, bị áp bức, bị gạt ra bên lề xã hội.
Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh ta, nên khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy (…). Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Ga 10, 11-16).
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Lễ Dầu năm nay, toàn thể gia đình Dân Chúa thuộc giáo phận Vinh được mời gọi để dâng lên Thiên Chúa Cha “lời nguyện thánh hiến” của Chúa Kitô trong đêm từ biệt linh thiêng ấy: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ” (Ga 17,17). Qua lời nguyện này, Đức Kitô không xin Chúa Cha đưa các Tông đồ ra khỏi trần thế, mà xin Ngài kéo họ ra khỏi con người tham sân si, khỏi toan tính thường tình, phản ứng theo bản năng hay động lực trần tục, để dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và toàn tâm toàn ý vì sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Chúng ta biết rằng Đức Kitô không chỉ cầu nguyện cho các Tông đồ, nhưng còn cho tất cả những ai nhờ lời các vị mà tin vào Ngài (Ga 17,20), đặc biệt cho các tư tế. Thật vậy, “do bí tích Truyền chức thánh, một số Kitô hữu được đặt làm thừa tác viên có chức thánh (…), như thế họ được thánh hiến và được chỉ định, mỗi người tùy theo cấp bậc của mình, để hướng dẫn đoàn dân Chúa, bằng cách chu toàn các nhiệm vụ giáo huấn, thánh hóa và lãnh đạo nhân danh Đức Kitô là Đầu” (Gl 1008). 
Chính vì vậy, thánh lễ hôm nay mang một ý nghĩa hiệp thông và biểu tượng rất đặc biệt đối với linh mục đoàn trong giáo phận. Thật vậy, qua lời tuyên hứa mà các linh mục sẽ công khai lặp lại trong thánh lễ hôm nay, Hội Thánh muốn tất cả các mục tử tái khẳng định quyết tâm bước theo Đức Kitô trên con đường phục vụ cộng đồng Dân Chúa. Với tư cách chủ tế, giám mục sẽ long trọng kêu mời các linh mục công khai lặp lại lời hứa khi lãnh nhận chức linh mục: “Ngày chúng ta lãnh nhận chức thánh vì yêu mến Chúa Kitô và để phục vụ Hội Thánh Người, chúng ta đã vui lòng chấp nhận trách nhiệm phục vụ cộng đoàn được giao phó cho chúng ta. Vậy, anh em có muốn ngày càng gắn bó hơn với Chúa Giêsu và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân và trung thành giữ lời chúng ta đã cam kết không? Theo gương Chúa Kitô…, anh em có muốn thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi không?”
Năm ngoái vào độ này, khi cử hành Thánh Lễ Làm Phép Dầu đầu tiên trong cương vị Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu hàng tư tế ra khỏi chính mình và đi đến những “vùng ngoại ô”, những vùng nghèo khổ, nơi có đau khổ, nơi có đổ máu, nơi có sự mù lòa, có thù hận, bạo động, bất công… Theo ngài, “ai không đi ra khỏi chính mình, thì, thay vì làm người trung gian, sẽ từng bước trở thành một người môi giới và một người quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt: người môi giới và người quản trị “đã lãnh thù lao của mình rồi”, và bởi lẽ họ không đem chính mạng sống và chính trái tim mình ra để đánh cược” cho sứ vụ. Vì vậy, Ngài ước mong các tư tế biết đem chính mạng sống và chính trái tim mình để đánh cược cho  sứ vụ, trở thành những mục tử chấp nhận dấn thân, lăn lộn, đồng vui cộng khổ với đoàn chiên, đến độ “thấm vào mình mùi chiên”.
Ngày 6 tháng 3 vừa qua, trong cuộc gặp gỡ với các linh mục thuộc Tổng Giáo phận Roma, Đức Thánh Cha đã suy niệm đặc biệt về đề tài lòng thương xót. Ngài cho rằng, “với tư cách là mục tử, chúng ta phải xót thương rất nhiều, rất nhiều”. Dựa trên đoạn Tin Mừng trình bày sự kiện Chúa Giêsu chạnh lòng thương khi chứng kiến dân chúng mệt mỏi và kiệt lực như đoàn chiên không có mục tử chăm sóc, ngài giải thích: “Chúa Giêsu có tấm lòng của Thiên Chúa, nghĩa là đầy dịu dàng đối với dân chúng, nhất là với những người bị loại trừ, các tội nhân, những bệnh nhân không ai chăm sóc… Vì thế, theo hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành, linh mục phải là người từ bi và thương xót, gần gũi dân chúng và phục vụ tất cả mọi người. Bất cứ ai bị thương tổn trong cuộc sống một cách nào đó, có thể tìm thấy nơi linh mục sự quan tâm và thái độ lắng nghe. Đặc biệt linh mục cần chứng tỏ lòng từ bi qua việc ban bí tích Hòa Giải; biểu lộ tâm tình ấy trong thái độ, trong cách thức đón tiếp, lắng nghe, khuyên bảo và ban phép xá giải…”.
Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết và hơn bất cứ nơi nào, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta trở thành mục tử từ bi nhân hậu, can đảm dấn thân phục vụ anh chị em của mình tại giáo phận Vinh này. Thật vậy, xét về địa lý, đây là vùng đất nghèo, lại luôn bị thiên tai lụt lội. Về kinh tế, đây là vùng đất nhiều người ít của và chậm phát triển, thiếu hụt trầm trọng công ăn việc làm. Biết bao người trẻ bị bó buộc phải “tha phương cầu thực”! Về phương diện xã hội, nơi chiếc nôi của cách mạng này vẫn là vùng đất nặng giáo điều và ít sáng tạo nhất. Đại đa số giáo dân giáo phận Vinh sinh sống ở miền quê, thất học và ít cơ hội thăng tiến, vì vậy là thành phần nghèo và thiệt thòi nhất trong xã hội. Thêm vào đó, vì niềm tin Kitô giáo, vô hình trung họ phải gánh chịu thêm một số thiệt thòi và phân biệt đối xử khác. Nhưng, bất chấp tất cả, họ vẫn rất kiên cường và trung tín với Giáo Hội. Nếu hôm nay Đức Giêsu phải chứng kiến tình trạng nghèo đói, thiệt thòi,  nhọc nhằn, khổ đau, bị hiểu lầm, bị tổn thương, bị nạt nộ và đang còng lưng dưới gánh nặng cuộc đời… của giáo dân Vinh, chắc chắn Chúa không thể không chạnh lòng xót thương.
Anh em linh mục thân mến, trong tư cách là các thừa tác viên của Giáo Hội tại Nghệ-Tĩnh-Bình này, chúng ta có nhiệm vụ giữ cho sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Chúa được luôn sinh động, trong các bài giảng, các quyết định mục vụ cũng như trong cách đối xử, tiếp xúc giữa cha Quản xứ với giáo dân. Làm sao giảm thiểu tối đa những tiếng thở dài, nài van, buồn tủi, than khóc nơi đàn chiên của Đức Kitô tại mảnh đất này. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta phải có trách nhiệm về nỗi vui, nỗi buồn, âu lo và hy vọng của anh chị em chúng ta.
Lúc này đây, hơn bao giờ hết, lời nhắn nhủ của thánh Phaolô như đang văng vẳng bên tai chúng ta: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, một lòng mến, một tâm hồn, một ý hướng như nhau… Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Pl 2,1-5). Amen.
Ledau2Ledau3Ledau6Ledau5
+ P. Nguyễn Thái Hợp, O.P.

0 comments :

 
Top